Tiếp tục chính sách tài khóa thận trọng
Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế to lớn kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986. Những cải cách thị trường sâu rộng và cam kết mạnh mẽ gần đây về ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho tăng trưởng mạnh và toàn diện.
Cải cách bao gồm củng cố tài khóa, tăng cường các bộ đệm tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, cải thiện quản trị và đạt được những tiến bộ ấn tượng về sử dụng Internet và số hóa.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu trên, Việt Nam cần phát triển kinh tế và xã hội hơn nữa để đáp ứng những mong mỏi của người dân.
Điều này đòi hỏi phải giải quyết những thách thức quan trọng gồm các vấn đề như tình trạng phân lập của nền kinh tế, già hóa dân số, biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng để tận dụng sự chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng.
Hơn nữa, mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực, song nền kinh tế vẫn dễ bị tác động bởi những rủi ro làm suy giảm kinh tế, đặc biệt là căng thẳng thương mại và tính không chắc chắn gia tăng cùng sự tăng trưởng chậm lại của các đối tác thương mại.
Tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam đã tạo cơ hội để tiến hành những cải cách tham vọng hơn, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, tăng tính linh hoạt và sức chịu đựng trước các cú sốc.
Trong tương lại, yếu tố mấu chốt với bất kỳ chiến lược tăng trưởng nào là phải tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đòi hỏi tiếp tục một chính sách tài khóa thận trọng để đảm bảo tính bền vững tài khóa, một chính sách tiền tệ lành mạnh để giữ lạm phát thấp và ổn định và tiếp tục nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng.
Việt Nam nên tiếp tục tăng cường tính bền vững tài khóa. Những năm gần đây, Chính phủ đã thực thi thành công củng cố tài khóa mạnh, hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, giảm mạnh sự tăng nhanh của nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh (PPG).
Do đó, nợ công đã giảm xuống 55,5% GDP vào cuối năm 2018, từ mức 60% vào cuối năm 2016 (dựa trên Phân loại Thống kê tài chính chính phủ - GFS).
Trong tương lai, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam dự kiến sẽ giảm hơn nữa nhờ cam kết của Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thận trọng và việc điều chỉnh số liệu GDP. Điều này có thể giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, giảm chi phí đi vay và có thể tác động tích cực đến chi phí đi vay của các doanh nghiệp.
Để giúp hạn chế thâm hụt ngân sách trong tương lai, cần duy trì thu ngân sách đủ trong bối cảnh giảm vay Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA), giảm thu ngân sách từ dầu thô và xuất nhập khẩu.
Mặc dù Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng cần đẩy nhanh cải cách Quỹ Bảo hiểm xã hội (quỹ lương hưu) để cải thiện diện bao phủ, tính đầy đủ và tính bền vững của quỹ lương hưu.
Điều chỉnh lại chính sách tài khóa cũng sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng. Việt Nam nên cân nhắc tiến hành cải cách thuế một cách cơ bản để giúp giảm bớt những méo mó bằng cách mở rộng cơ sở thuế và giảm ưu đãi thuế.
Nhu cầu chi tiêu cho an sinh xã hội và hạ tầng lớn của Việt Nam để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, già hóa dân số và số hóa đòi hỏi phải tăng mức độ và tính hiệu quả của đầu tư hạ tầng.
Cùng với đó, cần làm rõ việc thực thi Luật Phòng chống tham nhũng để giúp giảm những rào cản đối với đầu tư công. Đảm bảo sự cạnh tranh hiệu quả hơn trong đấu thầu mua sắm công nên là ưu tiên hàng đầu để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Do nguồn vốn ngân sách không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đầu tư lớn, nên cần cân nhắc nguồn vốn tư nhân dưới hình thức hợp tác công - tư (PPP). Điều này đòi hỏi xây dựngLluật PPP toàn diện gồm cả việc quản lý nợ và rủi ro tốt, cần đánh giá khả năng chi trả, tính cạnh tranh, minh bạch và vai trò “gác cổng” của Bộ Tài chính để đảm bảo tính bền vững tài khóa.
Hiện đại hóa khuôn khổ tiền tệ
Cải thiện kế toán và báo cáo về tài khóa là cần thiết để cung cấp thông tin tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách, những bên tham gia thị trường và công chúng.
Báo cáo về tài khóa chỉ mới bao phủ một phần và độ trễ báo cáo dài làm cho số liệu ước tính về ngân sách ít tin cậy hơn. Điều này làm cho hoạch định chiến lược và dự toán ngân sách phù hợp với các nguồn lực sẵn có phức tạp hơn.
Chính phủ nên áp dụng các chuẩn mực về Thống kê Tài Chính Chính phủ (GFSM) áp dụng cho toàn bộ khu vực chính phủ chung trong giai đoạn 2021-2030 khi tổng hợp và báo cáo thống kê về tài khóa.
Cần hạn chế chi chuyển nguồn và loại bỏ thu chuyển nguồn, đồng thời cần báo cáo rõ về nguồn tài trợ cho thâm hụt ngân sách, giảm độ trễ của báo cáo báo cáo quyết toán từ 18 tháng xuống 6 tháng.
Đảm bảo phân bổ tín dụng hiệu quả hơn sẽ rất quan trọng để tài trợ cho việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Hiện nay, việc tiếp cận tín dụng của khu vực tư nhân bị ảnh hưởng bởi trần tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước thiết lập, những quy định về ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực của Chính phủ, tình trạng thiếu vốn trong các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm phần lớn hệ thống ngân hàng, tỷ lệ cho các doanh nghiệp nhà nước vay của các ngân hàng này dù đã giảm, song vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Ngân hàng Nhà nước đã khởi xướng kế hoạch hiện đại hóa khuôn khổ tiền tệ. Thận trọng chuyển từ áp dụng trần tăng trưởng tín dụng sang chính sách tiền tệ dựa trên giá sẽ cải thiện phân bổ tín dụng trong nền kinh tế, cuối cùng là các ngân hàng mạnh, với cơ hội cho vay hợp lý, sẽ không còn bị hạn chế bởi trần tăng trưởng tín dụng.
Do lãi suất liên ngân hàng quá biến động, khó trở thành mục tiêu hoạt động của chính sách tiền tệ, nên Ngân hàng Nhà nước trước hết nên ổn định lãi suất thị trường liên ngân hàng trong một phạm vi hẹp bằng cách áp dụng cơ chế tiền gửi được trả lãi suất.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ mục tiêu tăng trưởng tín dụng và bắt đầu áp dụng lãi suất liên ngân hàng như mục tiêu hoạt động chính cho chính sách tiền tệ.
Cần một hệ thống ngân hàng lành mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và chuyển đổi thành công sang cơ chế chính sách tiền tệ hiện đại. Việc tăng vốn cho các ngân hàng vẫn đang tiến triển, được thúc đẩy bởi thời hạn thực hiện các chuẩn mực Basel II (ngày 1/1/2020).
Trong khi các ngân hàng tư nhân lớn có vốn hóa tốt nhờ lợi nhuận giữ lại, được hỗ trợ bởi lợi nhuận cao và vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư nước ngoài, thì các ngân hàng thương mại nhà nước có thể cần thêm vốn. Chiến lược về tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước của các cơ quan chức năng nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Việc tái cấp vốn cho các ngân hàng nên được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư tư nhân (có thể yêu cầu tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài), giữ lại lợi nhuận và bơm vốn từ các quỹ tài chính nhà nước.
Để củng cố hệ thống ngân hàng hơn nữa, các ngân hàng thương mại nhà nước nên được quản lý sát sao hơn, các chuẩn mực kế toán quốc tế nên được áp dụng rộng rãi hơn và Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát các ngân hàng dựa trên rủi ro và khuôn khổ an toàn vĩ mô của mình.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng cần cải thiện mạnh hơn nữa để tạo điều kiện cho tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Cần giảm bớt các rào cản pháp lý đáng kể đối với sở hữu nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, cải thiện tính cạnh tranh và nâng cao năng suất thông qua chuyển giao và đầu tư vào công nghệ, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại các doanh nghiệp trong nước.
Hơn nữa, việc tiếp cận đất đai và tín dụng, khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả vẫn là những trở ngại đối với khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực của hệ thống tư pháp để thúc đẩy thực thi các hợp đồng, tăng cường hiểu biết về pháp luật, tạo điều kiện xử ly, tái cơ cấu và cho phá sản sẽ giúp giảm rủi ro kinh doanh.
Tính hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng nên được tăng cường bằng cách củng cố hệ thống tư pháp, mà hiện tính hiệu quả của hệ thống này bị yếu đi do phụ thuộc nhiều vào quá trình thực thi.
Chuyển sang hệ thống tư pháp hiện đại, độc lập và chuyên nghiệp đòi hỏi phải công khai các quyết định của tòa và hồ sơ các vụ án; cần làm rõ vai trò của các quan tòa với tư cách là trọng tài hơn là các bên tham gia và nâng cao năng lực giải quyết các vụ án nhanh hơn.
IMF tiếp tục hỗ trợ cho những cải cách của Việt Nam
IMF sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho những cải cách của Việt Nam. IMF đã hỗ trợ nỗ lực cải cách của Việt Nam thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực trong nhiều lĩnh vực, bao gồm báo cáo tài khóa, thống kê, khuôn khổ chính sách tiền tệ, quản lý thuế, quản lý nợ và chiến lược cải cách kho bạc. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện.