Trông ngóng vắc-xin nội
Tại Việt Nam, có 4 đơn vị đang trong cuộc đua sản xuất vắc-xin Covid-19 gồm Công ty Nanogen với vắc-xin Nano Covax; Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) với vắc-xin Covivax; Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm y tế (Vabiotech) đang trong quá trình nghiên cứu.
Hiện trong số 4 vắc-xin nội, Nano Covax là vắc-xin có tiến độ nhanh nhất. Thử nghiệm giai đoạn III của vắc-xin Nano Covax đã được thực hiện trên hàng chục tình nguyện viên. Dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn III sẽ được hoàn thành trong thời gian từ nay đến ngày 19/8.
PGS-TS. Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y) cho biết, trước khi thử nghiệm giai đoạn III, vắc-xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với đánh giá 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.
Để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản cho phép 5 công trình/Dự án trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Trong số này có Dự án nhà máy sản xuất vắc-xin của Vingroup, đặt tại Hòa Lạc.
Loại vắc-xin có tiến độ nhanh thứ hai là Covivax, do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Đại học Y Hà Nội thử nghiệm lâm sàng. Sau khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn II, Bộ Y tế đang xem xét triển khai gối đầu giai đoạn III từ tháng 9/2021, nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Ngoài 2 vắc-xin do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và sản xuất, chúng ta còn thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin từ nước ngoài. Hiện có 2 vắc-xin đang được chuyển giao công nghệ, một do Tập đoàn Vingroup đàm phán từ Công ty Acturus (Hoa Kỳ). Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 - 200 triệu liều/năm.
Vắc-xin thứ hai do Công ty AIC và Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại Việt Nam. Dự kiến tháng 6/2022, hoàn tất các hoạt động và đưa vắc-xin ra thị trường.
Bên cạnh đó, Vabiotech đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik V từ bán thành phẩm. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vabiotech cho biết, đơn vị vừa gia công và đóng ống 30.000 liều vắc-xin Covid-19 Sputnik-V đầu tiên, trong đó có 10.000 liều được gửi sang Liên bang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng. Thời gian kiểm nghiệm chất lượng lô vắc-xin này khoảng 30 ngày.
Cũng theo lãnh đạo Vabiotech, dự kiến ngày 10/8 sẽ có kết quả kiểm định chất lượng vắc-xin đóng ống tại Việt Nam. Nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
An toàn là ưu tiên số một
Là một trong 42 nước trên thế giới có thể sản xuất vắc-xin và có Hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin (NRA) theo tiêu chuẩn của WHO, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để nghiên cứu, sản xuất đảm bảo an ninh vắc-xin, phục vụ cho mục tiêu chung sống an toàn trong đại dịch và phát triển kinh tế bền vững. Do vậy, theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế các nhà sản xuất vắc-xin khác trong nước cần nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo GS-TSKH. Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người, bên cạnh nỗ lực tự sản xuất vắc-xin Covid-19, thì hiện nay xu thế chuyển giao công nghệ vắc-xin cũng là cách để “đi tắt, đón đầu”, cung ứng vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.
Chuyên gia này cũng cho hay, hầu hết các loại vắc-xin đã được chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đều theo hai hình thức.
Thứ nhất, là chuyển giao một phần, có nghĩa là cử cán bộ đến cơ sở nghiên cứu, sản xuất để được đào tạo, rồi sau đó tự nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước.
Thứ hai, là chuyển giao toàn phần, tức là đối tác nước ngoài giúp Việt Nam từ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đến lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất.
“Dù theo hình thức nào thì năng lực tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ trong nước đều đáp ứng tốt, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí đầu tư công nghệ ban đầu”, bà Vân nêu.
Dù mục tiêu đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân là cấp thiết, song theo GS-TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học, thì an toàn, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân phải đặt lên trên hết. Chẳng hạn với việc thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, trong giai đoạn III, đối tượng tiêm thử nghiệm sẽ mở rộng hơn.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách nhà nước trong điều kiện cho phép phục vụ hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.
Về cơ sở vật chất, đất đai phục vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xem xét, xử lý theo quy định hiện hành, trong đó có quy định về ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao, nếu vượt quá quy định hiện hành thì trình các cấp có thẩm quyền.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!