Sở hữu tiềm năng về nông nghiệp và năng lượng tái tạo, tỉnh Đắk Lắk thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực này.

Sở hữu tiềm năng về nông nghiệp và năng lượng tái tạo, tỉnh Đắk Lắk thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực này.

Đắk Lắk: Thu hút đầu tư - kiến tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn đầu tư lớn, liên tục được doanh nghiệp rót vào các lĩnh vực thế mạnh của Đắk Lắk đã tạo một động lực tăng trưởng bứt phá cho thủ phủ Tây Nguyên.

“Địa chỉ đỏ”

Trong những năm qua, Đắk Lắk đã trở thành “địa chỉ đỏ” ở Tây Nguyên đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ năm 2020 đến nay, Đắk Lắk đã tiếp trên 500 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, Nguyễn Hoàng, Sao Mai, Xuân Thiện, Trung Nam, Công ty TNHH Cảng Vân Phong... Sự quan tâm của nhà đầu tư với Đắk Lắk là điều dễ hiểu, bởi địa phương này sở hữu nhiều lợi thế vượt trội và thế mạnh riêng có.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tính riêng trong giai đoạn từ năm 2020 đến giữa năm 2023, tỉnh đã thu hút thành công 77 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 51.292 tỷ đồng. Nhà đầu tư rót vốn vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thương mại dịch vụ…

Một số dự án lớn nhanh chóng triển khai hoàn thành và đi vào hoạt động, có thể kể đến như 5 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Ea Súp với tổng công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 15.402 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam với tổng công suất 400 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 16.500 tỷ đồng, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, vốn đầu tư 550 tỷ đồng, Trung tâm thương mại (GO), vốn đầu tư 290 tỷ đồng...

Không chỉ nguồn vốn trong nước, dự án vốn FDI cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở xứ sở “voi bản Đôn”.

Thống kê mới đây cho thấy, giai đoạn 2020 - 2023, trong tổng số 77 dự án đầu tư vào Đắk Lắk, có 14 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư là 519,25 triệu USD. Trong đó có 10 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 446 triệu USD; trong khu công nghiệp có 4 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã 26 dự án FDI, với số vốn đăng ký đầu tư 682,4 triệu USD.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư đã tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng. Những dự án của nhà đầu tư đã góp phần đáng kể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, cũng như đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2020, GRDP của Đắk Lắk đạt 84.887 tỷ đồng, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng Tây Nguyên, chiếm 28,1% GRDP vùng và 1,3% GDP cả nước. Kết quả tăng trưởng đó có sự góp phần không nhỏ của việc thu hút thành công những dự án đầu tư.

“Hiện nay, một số lĩnh vực đầu tư của tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư, có thể kể đến như phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cảng cạn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Những dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của Đắk Lắk”, ông Hà thông tin.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, sự kiện thường niên được tỉnh Đắk Lắk tổ chức để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, sự kiện thường niên được tỉnh Đắk Lắk tổ chức để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư.

Nỗ lực không ngừng

Quả ngọt từ thu hút đầu tư của tỉnh Đắk Lắk không phải tự đến, nó bắt đầu từ những nỗ lực liên tục của địa phương này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể nói, kết quả thu hút trên chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Bởi số lượng dự án đầu tư ngoài ngân sách được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn rất hạn chế. Chỉ tính riêng năm 2022, Đắk Lắk tiếp nhận 179 hồ sơ dự án, nhưng chỉ có 11 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 11.278 tỷ đồng (chỉ chiếm 6,14%).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả thu hút đầu chưa như mong đợi. Trong đó, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ đã gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, làm tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư. Các khu, cụm công nghiệp của Đắk Lắk cũng chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk hiện còn quỹ đất từ các công ty nông lâm nghiệp chuyển giao về cho các địa phương quản lý là khoảng 264.000 ha; là điều kiện thu hút các dự án phát triển nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực đất này chưa thể phát huy, vì theo quy định phải lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án sử dụng đất, thì mới đảm bảo điều kiện để giải quyết chủ trương đầu tư, nhưng việc này chậm được thực hiện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn quỹ đất lâm nghiệp không còn rừng, không còn khả năng phục hồi, có thể phát triển các dự án cải tạo rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, quy định về chuyển đổi đất lâm nghiệp không còn rừng sang đất khác còn khó khăn, phức tạp. Nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp và dịch vụ còn thiếu và yếu …

Ông Đinh Xuân Hà cho biết, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng. Trong đó, tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, trách nhiệm phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và quản lý dự án đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng; giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Đáng chú ý, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo đủ điều kiện để thu hút doanh nghiệp. Hiện chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I. Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng sẽ mở ra một “cao tốc tăng trưởng”, không chỉ cho Đắk Lắk, mà còn cả vùng Tây Nguyên.

Song song với đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk duy trì gặp gỡ, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trợ giúp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án. Loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư …

“Với quan điểm xem các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Đắk Lắk, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đắk Lắk đã nỗ lực không ngừng để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, xây dựng Đắk Lắk từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Hà khẳng định.

Tỉnh Đắk Lắk đang tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Về công nghiệp, Đắk Lắk sẽ phát triển công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm.

Về xây dựng, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống kết hợp hiện đại; phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch sinh thái, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, logistics, giáo dục, y tế, khoa học…

Tin bài liên quan