Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế; đặc biệt trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kinh tế đô thị
Vừa qua HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua Hồ sơ trình phê duyệt và các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, trong Quy hoạch, định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư.
Đồng thời đề ra các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường quyền lợi và bảo vệ các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ dựa trên cơ sở 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn.
Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn, các dự án thủy điện tận dụng nước của các hồ thủy lợi.
Phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi. Trong đó, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Cuối cùng là phát triển dịch vụ - logistic - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn.
Trên cơ sở hồ sơ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sớm hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chung phát triển đô thị, các phương án sử dụng đất của các nông lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. |
Ngoài ra, Đắk Lắk sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại cửa khẩu Đắk Ruê, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân…
Tỉnh Đắk Lắk sẽ xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm và cho từng thời kỳ; xây dựng và công bố các danh mục dự án thu hút đầu tư để làm cơ sở các nhà đầu tư quan tâm đề xuất thực hiện dự án; thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.