Đại sứ Wojciech Gerwel: Hợp tác Việt Nam - Ba Lan bộc lộ tiềm năng phi thường

0:00 / 0:00
0:00
Quan hệ Việt Nam - Ba Lan đã được tăng cường trong thời kỳ đại dịch và bộc lộ tiềm năng phi thường cho sự hợp tác gần gũi và hữu nghị.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel

Khi đại dịch mới bắt đầu, người Ba Lan đã chứng kiến nhiều hành động hỗ trợ tự phát từ cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt, các thành viên và tình nguyện viên của cộng đồng này đã cung cấp khẩu trang khâu tay, găng tay y tế và chất khử trùng cho các cơ sở y tế và nhân viên y tế Ba Lan. Các nhà hàng Việt Nam đã nấu những bữa ăn miễn phí cho các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế Ba Lan. Và các cựu sinh viên Việt Nam của các trường đại học Ba Lan đã chuyển một số bộ test Covid-19 và quần áo bảo hộ cho Ba Lan.

Đó có lẽ không phải là một khoản viện trợ có quy mô lớn về số lượng, nhưng rất chân thành và tự phát, đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ gắn bó đặc biệt giữa hai quốc gia. Chúng tôi không quên sự hỗ trợ vô giá này - và như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Paweł Jabłoński đã chỉ ra gần đây - chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải thể hiện tình đoàn kết tương tự khi điều kiện dịch tễ ở Việt Nam xấu đi nhiều hơn.

Đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam, Ba Lan đã quyết định tài trợ 501.600 liều vắc-xin Astra Zeneca cho Việt Nam. Lô vắc-xin đã đến Hà Nội vào ngày 21/8, đúng một tháng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư cho Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Trong vài ngày tới, Chính phủ Ba Lan sẽ chuyển giao thiết bị y tế cho TP.HCM, bao gồm mặt nạ trợ thở, máy theo dõi nhịp tim và thiết bị bảo hộ cá nhân cần thiết, trị giá khoảng 3,6 triệu USD. Ba Lan cũng có kế hoạch cung cấp cho Việt Nam thêm nhiều vắc-xin khác trên cơ sở bán lại phi lợi nhuận. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được sự hỗ trợ như vậy từ Ba Lan.

Bước phát triển tích cực thứ hai trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan trong bối cảnh đại dịch liên quan đến thương mại song phương. Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2020, kim ngạch song phương đạt 3,7 tỷ USD, trong khi chỉ trong nửa đầu năm 2021 đã vượt 2,3 tỷ USD. Để so sánh, trước đại dịch, con số này là 3,5 tỷ USD vào năm 2019 và 3,3 tỷ USD vào năm 2018.

Ba Lan nổi tiếng với các sản phẩm nông sản có chất lượng tuyệt vời, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm và có khả năng cạnh tranh về giá cả. Không có gì ngạc nhiên khi các khách hàng nước ngoài, cũng như tại Việt Nam, ngày càng đánh giá cao các sản phẩm của Ba Lan. Trên bàn ăn của người Việt hiện nay, các mặt hàng nông sản Ba Lan phổ biến nhất là thịt lợn, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ sữa.

Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc nhập khẩu các mặt hàng truyền thống trên, nhưng cũng ngày càng bị thu hút với việc sẽ giới thiệu các sản phẩm mới của Ba Lan vào thị trường Việt Nam, như thịt bò Ba Lan và quả việt quất cực kỳ ngon. Ba Lan cũng là nước sản xuất xúc xích, bánh mì, mật ong, kẹo sô-cô-la và nước trái cây chất lượng hàng đầu. Táo Ba Lan vốn đã được người tiêu dùng Việt Nam biết đến và đánh giá cao nhờ hương vị tự nhiên, giòn và rất thơm…

Hợp tác nông sản thực phẩm Ba Lan - Việt Nam không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại nông sản truyền thống. Lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (AgriTech) và các công nghệ xanh hiện đại của Ba Lan cũng mang lại nhiều cơ hội. Ví dụ, Chương trình GreenEvo của Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ quốc tế trong các lĩnh vực, như quản lý nước và nước thải, tiết kiệm năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ không khí, quản lý chất thải và các công nghệ giao thông phát thải thấp, bao gồm cả điện cơ.

Khi nói đến công nghệ cao của Ba Lan, không thể không nhắc đến ngành công nghệ y học (Medtech) và công nghệ thông tin và truyền thông. Những lĩnh vực này đã trải qua sự phát triển vượt bậc ở Ba Lan trong những thập kỷ gần đây và ngày nay có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và đáng tin cậy nhất cho khách hàng.

Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin - truyền thông ở Ba Lan phần lớn là do sự chuyển đổi kỹ thuật số của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế của đất nước. Trong ngành công nghệ tài chính (FinTech), các công ty Ba Lan đã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra các dịch vụ tài chính hiện đại dựa trên các giao dịch không dùng tiền mặt, cũng như các dịch vụ viễn thông di động và đa phương tiện đặc biệt an toàn. Một số giải pháp có tính sáng tạo cao này của Ba Lan đã có mặt trên thị trường Việt Nam.

Như rất nhiều lần khác trong lịch sử, hai nước đã một lần nữa chứng tỏ mình là những đối tác trung thành của nhau. Tình hình kinh tế mới cũng cho thấy, có nhiều lĩnh vực hứa hẹn để tăng cường hợp tác. Tôi tin tưởng rằng, trong những năm tới, Ba Lan và Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội này, từ đó nâng tầm quan hệ hợp tác song phương lên những tầm cao mới.

Tin bài liên quan