Trao đổi với phóng viên Hãng truyền thông CNBC (Mỹ), ông Thôi Thiên Khải cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ có đáp trả tương ứng. Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả, áp dụng theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phù hợp với luật pháp Trung Quốc”.
Ông Thôi Thiên Khải đưa ra quan điểm cứng rắn như vậy sau khi ngày hôm qua (3/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ danh sách hàng hóa Trung Quốc phải chịu thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.
“Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có biện pháp đáp trả Mỹ với mức độ và quy mô tương tự”, Đại sứ Thôi Thiên Khải cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Thôi Thiên Khải không nêu chi tiết về biện pháp đáp trả đối với những động thái thương mại mới nhất của Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng, đề nghị giấu tên, cho CNBC biết, Chính phủ Mỹ đang thảo luận về cả việc chuẩn bị cho những hành động trả đũa có thể xảy ra của Trung Quốc lẫn những khả năng hành động tiếp theo từ phía Mỹ.
“Chủ nghĩa bảo hộ như vậy sẽ không bảo vệ ai. Nó sẽ không bảo vệ công nhân Mỹ hoặc nông dân Mỹ. Nó cũng sẽ không bảo vệ doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ. Nó sẽ làm tổn hại tất cả, trong đó có cả nền kinh tế Mỹ”, ông Thôi Thiên Khải phân tích.
Cũng theo ông Thôi Thiên Khải: "Hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ qua lại chặt chẽ đến mức, bất cứ hành động đơn phương nào gây tổn hại cho bên kia, thì cuối cùng cũng gây tổn hại cho chính mình”.
“Chúng tôi làm hết sức để tránh xảy ra tình huống như vậy, nhưng nếu phía bên kia có lựa chọn sai, thì chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả”, ông Thôi Thiên Khải nêu quan điểm của chính quyền Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ phân tích, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu như mọi thứ được kết nối với nhau. Khi nước nào đó đưa ra các biện pháp sai, đưa ra biện pháp bảo hộ, thì sẽ làm mất niềm tin của người dân vào triển vọng phát triển của nền kinh tế. Nó có thể gây tổn hại cho tất cả, như hoạt động tài chính, thương mại, hoạt động kinh tế, niềm tin người tiêu dùng.
Do vậy, theo ông Thôi Thiên Khải, Trung Quốc để ngỏ cửa cho việc làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp tục tăng cường đối thoại và trao đổi với phía Mỹ về mọi vấn đề kinh tế và thương mại có thể, nhưng chúng tôi cần sự có đi có lại. Thiện chí của chúng tôi phải được đáp ứng bằng mức độ thiện chí tương tự”, ông Thôi Thiên Khải nói.