Ông Pete Peterson

Ông Pete Peterson

Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Pete Peterson: Những nỗ lực tiến tới quan hệ đối tác toàn diện

Trước khi trải qua 21 năm quan hệ với nhiều thành tựu hợp tác to lớn, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua quá trình đầy gian nan và nỗ lực để có thể chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.     

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tôi cảm thấy vô cùng vui mừng khi Tổng thống Barack Obama, trong lịch làm việc dày đặc để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng toàn cầu, sẽ dành thời gian thăm Việt Nam. Chuyến thăm này báo hiệu sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục củng cố quan hệ song phương giữa hai nước.

Đã 16 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam (năm 2000) sau khi chiến tranh kết thúc. Vào thời điểm đó, Việt Nam vẫn ở giai đoạn phát triển đầu. Kể từ đó đến nay, nhiều tiến bộ đã đạt được. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ổn định, với một nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, đem lại cho mọi người dân chất lượng sống ngày càng cao hơn.

Việt Nam hôm nay có vai trò ngày càng quan trọng trong cộng đồng các quốc gia và Việt Nam - Hoa Kỳ đang có mối Quan hệ Đối tác toàn diện. Không ai trong chúng ta, những người đã có những nỗ lực mạnh mẽ và lâu dài nhằm tạo nền móng cho việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, có thể tưởng tượng được rằng, quan hệ hai nước đã có tiến bộ phi thường như hiện nay.

Không gì có thể làm cho tôi tự hào và thỏa mãn hơn là được chứng kiến hai nước song hành để đạt được những mục tiêu chung. Nhưng cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, hầu như không bên nào có xu hướng hợp tác hướng đến hòa giải.

Trên thực tế, lòng hận thù, căm ghét và oán giận vẫn ngự trị trong trái tim và tâm trạng của nhiều người dân của cả Việt Nam và Hoa Kỳ và những cảm giác đó lại tăng lên đáng kể đối với những người đã từng tham chiến trực tiếp. Chúng ta đã đối mặt với một tình huống mà chỉ có thời gian mới có thể xoa dịu và hàn gắn các vết thương chiến tranh và mở ra việc đối thoại về xã hội và ngoại giao. Đã phải mất một thập kỷ trước khi hai bên có thể thực hiện những cuộc thảo luận có ý nghĩa.

Một bước đột phá lớn đã được tạo ra khi Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý thiết lập một nhóm công tác chung nhằm tìm kiếm đầy đủ nhất có thể được những người Mỹ mất tích trong các cuộc xung đột trong quá khứ. Thời gian trôi qua, những nỗ lực tiên phong và rất chuyên nghiệp của các nhóm tìm kiếm tù binh và người mất tích trong chiến đấu (POW/MIA) đã tạo ra không khí tin tưởng, tạo nền tảng cho đối thoại chính trị và ngoại giao.

Khi tôi được thả và trở lại Hoa Kỳ sau 6,5 năm là tù binh tại Việt Nam, tâm trí tôi không tập trung vào việc hòa giải hay bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tôi luôn bận bịu như “Rip Van Winkle” thời hiện đại, cố gắng điều chỉnh mình sống trở lại như là một người Mỹ bình thường. (Rip Van Winkle là nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên nổi tiếng của nhà văn Mỹ tiên phong Washington Irving. Ông là một nông dân tốt bụng nhưng lười làm việc, nên gia đình rất thiếu thốn, nhiều lần phải bán nông trại do cha để lại, thường bị vợ mắng chửi và dần dần trở nên sợ hãi vợ mình).

Đã mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng, tuy nhiên, có lần tôi chợt nghĩ một ngày nào đó sẽ trở lại Việt Nam. Nhưng phải mãi cho tới khi tôi hoạt động nhiều hơn trên chính trường Hoa Kỳ vào năm 1989, thì tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc khôi phục quan hệ đứt gãy và giúp xây dựng một chiếc cầu hàn gắn những nỗi đau đã tồn tại ở cả hai đất nước.

Khi tôi đắc cử vào Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ vào năm 1991, các đồng nghiệp của tôi nói chung đều không ủng hộ bất cứ nỗ lực hòa giải hay bình thường hóa quan hệ nào với Việt Nam. Lúc đó, chẳng có quan điểm ở tầm quốc gia nào muốn bàn về vấn đề đó. Song có một nhóm nhỏ các cựu chiến binh (trong đó có tôi) ở cả Viện Dân biểu và Thượng Nghị viện đều bày tỏ một chút lạc quan về khả năng đó.

Tôi phải thừa nhận rằng, động lực tập thể của chúng tôi lúc đó chủ yếu đến từ niềm tin rằng, thông qua việc cải thiện quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, chúng ta sẽ có thể thúc đẩy công việc và nỗ lực của nhóm công tác chung MIA/POW.  Điều này cuối cùng được chứng minh là đúng, bởi đó là một trong những yếu tố thành công nhất trong quan hệ hai nước.

Tôi đã trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1991, với tư cách là thành viên của đoàn đại biểu nghị sỹ Hoa Kỳ, để chứng kiến việc nhóm công tác chung đang hoạt động và tiến triển như thế nào.Tôi đã thực sự ấn tượng với tính chuyên nghiệp và mức độ hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ nhóm công tác chung và thấy rằng, chương trình này có nhiều tiềm năng giúp mở ra con đường hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng khác.

Sau chuyến đi đó, tôi quan tâm hơn tới các nỗ lực của Hoa Kỳ trong vấn đề hòa giải. Tôi đã gặp gỡ một số nhà ngoại giao Việt Nam làm việc tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Tôi cũng tán thành mạnh mẽ một lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Tôi đến Việt Nam lần thứ hai vào năm 1993. Chuyến thăm này giúp củng cố niềm tin trong tôi rằng, lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ là việc theo đuổi mạnh mẽ tất cả những cơ hội nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cần phải chỉ ra rằng, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng rất tin tưởng vào những tiến bộ đã đạt được trong tiến trình hướng đến bình thường hóa quan hệ. Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nỗ lực này và trong nhiều dịp đã đóng vai trò trung gian trong đối thoại giữa các quan chức của hai bên.

Theo quan điểm của tôi, hợp tác công tư như vậy là yếu tố thành công chính trong việc thuyết phục Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận về kinh tế với Việt Nam vào năm 1994, dọn đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta.

Trong khi những đóng góp của cá nhân tôi chỉ là một phần của nỗ lực tập thể trong việc ủng hộ bình thường hóa quan hệ, thì tôi vô cùng vui mừng được góp mặt trong một số ít người Mỹ đã giúp hướng Hoa Kỳ và Việt Nam đến việc hòa giải.

Nói vậy thì có vẻ như tiến trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ là một quá trình đơn giản và dễ thực hiện. Không phải, chắc chắn không phải! Đó là một nỗ lực phức tạp, lúc được - lúc không và tràn đầy xúc cảm, thất vọng và có lúc như thất bại hoàn toàn.

Cả hai phía đã đổ nhiều mồ hôi và nước mắt trong quá trình đó. May mắn thay, vì lợi ích của lịch sử, lãnh đạo của hai phía đã không đánh mất tầm nhìn về lợi ích tiềm năng đạt được từ việc bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Đó là một ngày đặc biệt - ngày 11/7/1995 - khi việc thiết lập quan hệ ngoại giao được công bố tại Việt Nam và Đại sứ quán của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Tôi rất vui mừng khi nhận được một cuộc điện thoại từ Bộ trưởng Ngoại giao Warren Christopher vào hôm đó báo rằng, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được hoàn thành và Đại sứ quán mới đã được mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Kể từ lúc đó, hai nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết tất cả các lĩnh vực, đồng thời chứng kiến nhiều mốc ngoại giao song phương quan trọng. Việc ký kết và thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam đã đưa chúng ta lên một tầm hợp tác kinh tế mới. Hiệp định này cũng đã trở thành công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiệp định này cũng tạo nền tảng và là khuôn mẫu cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vài năm sau đó. Với động lực là những lợi ích chung của hai nước trong khu vực và quốc tế, Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ giờ đây đang ở ngưỡng được nâng lên tầm đối tác chiến lược.

Ban đầu, trọng tâm hợp tác giữa hai nước chỉ đặt chủ yếu vào các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, sự hợp tác này nhanh chóng được trải rộng ra các lĩnh vực khác như chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội. Rõ ràng, vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm và khác biệt trong quan điểm, nhưng quan hệ song phương đã chín muồi, đến mức hiện nay không có vấn đề gì là không thể giải quyết thông qua đối thoại ngoại giao/chính trị và hợp tác toàn diện.

Vấn đề nhân quyền hiện vẫn còn được tranh cãi và cần phải vượt qua, để có thể tiến tới hợp tác đối tác chiến lược, đặc biệt về khía cạnh tự do báo chí - một vấn đề rất nhạy cảm. Trong vòng hai thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến nhiều bước tiến mạnh mẽ và tích cực trong chính sách về quyền con người của Việt Nam và tôi rất hoan nghênh, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, vẫn có nhiều cơ hội để cải thiện hơn nữa.

Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá sang vị thế của một trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thành công nhất trên thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 14 trên toàn cầu và người Việt Nam cũng nằm trong số lực lượng lao động thông minh và có hiệu quả nhất.

Tương lai còn nhiều hứa hẹn cho Việt Nam và người ta đang hình dung Việt Nam sẽ ra sao trong 20 năm nữa. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và những lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ trở nên ngày càng gắn kết với nhau hơn. Việt Nam sẽ có vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế và mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ phát triển đến mức hai nước cuối cùng cũng sẽ trở thành những liên minh gần gũi.

Trong tương lai tràn đầy hứa hẹn, thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam cần phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia, đẩy mạnh cải cách giáo dục, bài trừ tham nhũng và tiến dần hơn đến việc thông qua các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Là một trong những người đầu tiên ủng hộ Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt, tương lai của Việt Nam sẽ tràn đầy triển vọng. Tôi sẽ là nhân chứng và tham gia hành trình không mệt mỏi của Việt Nam tới những thành tựu và thịnh vượng lớn hơn.

(Bài viết được đăng trên Đặc san song ngữ Việt - Anh “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở" (Vietnam-US relations: Flourishing business opportunities) do Báo Đầu tư sản xuất, phát hành tháng 5/2016.

Tin bài liên quan