Thời gian qua, thị trường liên tục đón nhận những thông tin kém tích cực liên quan đến hoạt động của tổng đại lý, đại lý bảo hiểm, bao gồm cả đại lý cá nhân và đại lý tổ chức. Nổi lên trong đó là một số tổng đại lý, đại lý có dấu hiệu vi phạm nên công ty bảo hiểm không trả thưởng, có vụ việc số tiền bị giữ lại lên tới hàng chục tỷ đồng, dẫn đến kiện tụng tại tòa án.
Trước đó, tại cuộc họp tổng kết công tác của Ban chuyên trách quản lý và đào tạo đại lý bảo hiểm nhân thọ (thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - IAV) vào cuối tháng 6/2019, một loạt bất cập liên quan đến tổng đại lý, đại lý đã được chỉ ra như đại lý/quản lý đại lý chuyển sang công ty bảo hiểm mới rồi quay lại nói xấu công ty bảo hiểm cũ trên mạng xã hội, hay việc công ty bảo hiểm nhận được đại lý chưa cắt mã số tại công ty bảo hiểm khác tham gia vào các khóa đào tạo cũng như các hoạt động, sự kiện dành cho đại lý tại công ty bảo hiểm của mình, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến công ty bảo hiểm cũ..., nhưng nổi cộm vẫn là tình trạng "chơi game" bảo hiểm (lập đại lý ma, hợp đồng ảo - PV) của đại lý mà chưa có giải pháp hữu hiệu.
Trở lại cuộc họp CEO bảo hiểm nhân thọ, ghi nhận ý kiến từ các thành viên thị trường, việc yêu cầu các công ty bảo hiểm báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm những năm đầu tiên là vô cùng cần thiết.
Đại diện Bảo Việt Nhân thọ đề xuất, IAV cần yêu cầu các công ty bảo hiểm báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ nhất, qua đó đánh giá và khuyến nghị các công ty bảo hiểm nâng cao chất lượng đại lý, đồng thời kiếm soát chặt chẽ hơn nữa đầu vào của đại lý tổ chức... Việc áp dụng biện pháp đảm bảo đối với đại lý tổ chức thông qua bảo lãnh ngân hàng cũng được Bảo Việt Nhân thọ đề xuất xem xét.
Đối với các tổng đại lý, đại diện Prudential cho rằng, cần yêu cầu các tổng đại lý chú trọng đào tạo đối với tư vấn viên đảm bảo tuân thủ theo quy định, định kỳ (6 tháng/lần) kiểm tra, rà soát tình hình tài chính và năng lực hoạt động của tổng đại lý...
Liên quan tới việc lập đại lý ma, hợp đồng ảo, theo ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó tổng giám đốc Chubb Life, các công ty bảo hiểm cần "mạnh tay" hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng này.
“Nếu một đại lý trong vòng 5 năm gần nhất mà làm cho 3 công ty bảo hiểm trở lên thì không nên tuyển dụng. Nếu vẫn muốn tuyển dụng thì phải có sự đồng ý của ban lãnh đạo doanh nghiệp và kiểm tra chéo với công ty bảo hiểm khác”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, các công ty bảo hiểm có hợp đồng hợp tác với đại lý tổ chức không độc quyền cần gắt gao hơn trong kiểm soát chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các tư vấn viên phải được đào tạo chuẩn mực.
"Hiện Luật Bảo hiểm chưa quy định cụ thể về đại lý tổ chức và quản lý đại lý tổ chức. Do đó, trước mắt, IAV cần xây dựng quy chế tạm thời để quản lý lực lượng này, sau đó đưa vào nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm dự kiến thực hiện trong năm 2020", ông Đạt nói.
Theo chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán, tình trạng đại lý bảo hiểm "chơi game" chưa được ngăn chặn là do công ty bảo hiểm dung túng, chứ không hẳn vì hoa hồng cao.
"Vì nhiều lẽ, các công ty bảo hiểm chưa dám 'mạnh tay' với đại lý có dấu hiệu vi phạm và đó là lỗi của doanh nghiệp. Theo tôi, hoa hồng cao không phải là điều kiện để dung túng, vì tại các nước phát triển, họ trả tới 100% hoa hồng mà gần như không có tình trạng này, nên điều quan trọng là cần phải xem lại cơ chế quản lý các đại lý. Theo đó, cơ quan chủ quản cần chủ động ở vai trò nhà tạo lập chính sách, tránh thụ động như hiện tại”, ông Đán phân tích.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề hội nghị, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, cần tận dụng các dữ liệu, chẳng hạn kiểm tra hoa hồng trả cho một đại lý... để phát hiện những bất thường, từ đó sớm đưa ra giải pháp ngăn chặn sai phạm của đại lý.