Bài 3: Đại Lộ vành đai Mai Chí Thọ, con đường nối hai đầu Đông - Tây
Đại lộ Đông - Tây
Được mệnh danh là Đại lộ Đông - Tây nối giữa khu Đông và khu Tây TP.HCM, Đại lộ Mai Chí Thọ bắt đầu từ Xa lộ Hà Nội nối vào hầm Thủ Thiêm đi trục Võ Văn Kiệt về cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tuyến đường có chiều dài 21,89 km, chiều rộng mặt đường 70 m với 8 - 10 làn xe (tuyến bờ Tây sông Sài Gòn), 14 làn xe (phía quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2005, thông xe giai đoạn 1 ngày 2/9/2009 (tuyến bờ Tây sông Sài Gòn) và thông xe toàn tuyến vào ngày 20/11/2011, trùng ngày thông xe hầm Thủ Thiêm.
Đây được coi là con đường chiến lược của TP.HCM và là điểm nhấn quan trọng nhất của cửa ngõ đi vào Thủ Thiêm, góp phần cho việc giãn dân về phía bờ Đông sông Sài Gòn và phía Nam Thành phố. Đặc biệt, tuyến đường giúp khu Thủ Thiêm (quận 2) trở thành trung tâm mới của TP.HCM trong tương lai.
Một giá trị lớn khác của tuyến đường Mai Chí Thọ mang lại là cải tạo môi trường ven kênh, tạo mỹ quan cho Thành phố. Tuyến đường sau khi hoàn thành cũng trở thành đầu nối của những tuyến đường lớn khác như: Điểm đầu nối giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi các tỉnh Đông Nam Bộ; nhánh đường Đồng Văn Cống nối Mai Chí Thọ, tuyến đường này thông xe qua cầu Phú Mỹ về khu Nam TP.HCM; nối thẳng Xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - thông hầm Thủ Thiêm về Đại lộ Võ Văn Kiệt, tiến về khu Tây TP.HCM.
Với việc một tuyến đường làm cầu nối trục kinh tế của 3 phân khu đã cho thấy sự quan trọng của Đại lộ Mai Chí Thọ với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên Khoa Kinh tế vận tải, Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM cho rằng, đây là tuyến đường giúp giao thông từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, miền Bắc thông suốt, góp phần cho việc phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, khi Sân bay quốc tế Long Thành xây dựng xong, sẽ giúp giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ được kết nối với Sân bay quốc tế Long Thành theo tuyến đường trên.
Tâm điểm của bất động sản khu Đông
Trước đây, người mua ở và nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc căn hộ quận 2 đều hướng tới trục đường Xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên hiện nay, trục đường Mai Chí Thọ đã trở thành cung đường thu hút nhiều dự án bất động sản bậc nhất và là tâm điểm hướng tới của các nhà đầu tư, cũng như người mua nhà để ở tại khu vực quận 2.
Trong số các dự án lớn hình thành dọc theo tuyến đường này đầu tiên phải kể đến Dự án Khu đô thị Đại Quang Minh. Dự án có tổng diện tích 78,97 ha với các dòng sản phẩm như biệt thự, nhà phố thương mại, nhà phố liền kề, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp. Dự án được đưa vào hoạt động từ năm 2015.
Một kỳ vọng lớn nữa của thị trường bất động sản khu Đông đó là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây là đại đô thị được kỳ vọng lớn nhất TP.HCM với diện tích 730 ha, được quy hoạch xây dựng là trung tâm tài chính lớn nhất Đông Nam Á, cùng với đó là khu thương mại, nhà ở. Đại đô thị này hiện nay đã hoàn thành xong việc xây dựng hạ tầng giao thông nội khu, đã có các nhà đầu tư trúng thầu các dự án tại đây. Đặc biệt, dự án này đang được TP.HCM kỳ vọng lớn cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM. Trong đó, mới đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông báo, trong tháng 6/2019 sẽ bán đấu giá 9 lô đất trung tâm của khu đô thị này.
Theo khảo sát từ DKRA Vietnam, từ năm 2015 tới nay, dọc tuyến đường Mai Chí Thọ có khoảng 20.000 sản phẩm bất động sản được mở bán và đưa vào hoạt động. Trong đó, đa phần là các dự án chung cư cao tầng. Góp mặt chủ yếu là các tập đoàn lớn như Novaland với 5 dự án, Keppel Land Việt Nam với 2 dự án lớn là Paml City (được mở bán năm 2015, hiện đang mở bán giai đoạn 2) và Empire City Thủ Thiêm (11 block chung cư, trong đó điểm nhấn là tòa tháp cao 88 tầng sẽ được xây dựng vào cuối năm 2019), hay Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Khang cũng đang cho ra mắt một dự án chung cư tại đây…
Một lợi thế nữa giúp thị trường bất động sản dọc tuyến Mai Chí Thọ được dự báo sẽ tiếp tục phát triển đó là quỹ đất tại đây đang rất lớn. Quỹ đất nằm dọc hai bên tuyến đường này đa số đã có chủ. Trong đó, năm 2017, một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM công bố đã có được khu đất để phát triển 13.000 căn hộ chung cư tại đoạn đầu của Mai Chí Thọ với đường Cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Trong khi đó, Him Lam Land cũng cho biết, đang sở hữu khu đất rộng 130 ha tại tuyến đường này. Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, hiện doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục pháp lý để sớm triển khai phát triển các dự án bất động sản tại đây.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thăng Long cho rằng, từ năm 2015, khi thị trường bất động sản khu Đông chiếm ngôi đầu bất động sản TP.HCM của khu Nam, thì thị trường bất động sản tại trục đường Mai Chí Thọ là sôi động nhất. Hiện nay, dù sự phát triển của thị trường khu Đông đã lan tỏa ra nhiều khu vực khác, nhưng các dự án chủ yếu được mở bán cũng đều nằm dọc hai bên tuyến đường này.
Ngoài quỹ đất lớn, một lợi thế nữa giúp thị trường bất động sản khu Đông nói chung và dọc tuyến đường Mai Chí Thọ nói riêng sẽ còn tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM chính là việc Thành phố lựa chọn khu Đông để xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo. Ngoài ra, giá đất của khu vực này hiện từ 30 - 45 triệu đồng/m2, thuộc mức giá trung bình của Thành phố, nên biên độ tăng giá sẽ còn lớn trong tương lai.
“Để một thị trường bất động sản tăng trưởng, điều đầu tiên phải có quỹ đất đủ lớn để phát triển trong dài hạn. Tiếp đến là hạ tầng giao thông kết nối phải hoàn thiện, các tiện ích xã hội như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, mua sắm phát triển. Hiện dọc Đại lộ Mai Chí Thọ hội thụ đủ các yếu tố trên”, ông Dũng đánh giá và cho biết, sự phát triển trong dài hạn của thị trường bất động sản dọc trục đường Mai Chí Thọ được các nhà phân tích đánh giá cao giá cao nhất TP.HCM. Bởi khu vực này đang được Thành phố tập trung đầu tư cao để xây dựng thành phố thông minh.
Sắp tới, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cũng sẽ được đầu tư mở rộng, xây mới như: đường Đồng Văn Cống, cầu Cát Lái, đường Nguyễn Duy Trinh, hệ thống 4 cầu Thủ Thiêm… Thậm chí, trong quy hoạch TP.HCM còn có phần di dời trụ sở UBND TP.HCM về khu vực này.
Đồng quan điểm, giới phân tích thị trường cũng cho rằng, năm 2019 và những năm tiếp theo, khu Đông vẫn là tâm điểm dẫn đắt thị trường bất động sản TP.HCM và có sức hút lớn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… đã và đang rót vốn vào đây.