Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn mức 4,2% trong năm 2018. Số liệu WTO mới công bố cho thấy, tăng trưởng thương mại toàn cầu nửa đầu năm 2019 giảm dưới mốc 3%, tình hình sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử, xuất nhập khẩu điện thoại, giao dịch thương mại song phương, đa phương đều suy giảm ở các khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Á.
Đầu tháng 8, kinh tế - tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng lớn từ 2 sự kiện: thông điệp hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đánh thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9 tới. Điều này sẽ tác động lên chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ của nhiều nước. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ khi USD mạnh lên, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá, tỷ giá biến động.
Tuy nhiên, điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam vẫn là tăng trưởng của các nhóm ngành chủ chốt như sản xuất công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, công nghệ, viễn thông.
Động thái hạ lãi suất cho vay mới đây của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, VietinBank về mức 5,5%/năm, hoặc một số ngân hàng thương mại cổ phần trong Top 10 giảm lãi suất cho vay về quanh mốc 7,5%/năm dành cho một số nhóm ngành nghề như công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ,... hay các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cũng sẽ hứa hẹn thúc đẩy kinh tế cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tăng trưởng lợi nhuận 6T2019 của 623/1.615 doanh nghiệp trên 3 sàn phân theo ngành.
Một loạt doanh nghiệp niêm yết đã công bố tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019. Qua số liệu của 623/1.615 doanh nghiệp trên 3 sàn, các doanh nghiệp thuộc ngành viễn thông, không tính FPT, có mức tăng trưởng lợi nhuận 234% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là các doanh nghiệp bảo hiểm (+56,3%), bất động sản (+43,8%) và ngân hàng (+36,8%).
Trong đó, nhóm bất động sản sau khi giảm nhẹ vào quý I/2019, chưa tính CTCP Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC) (2 doanh nghiệp này chiếm 69% tổng vốn hóa ngành bất động sản), đã có sự tăng trưởng mạnh trở lại, tăng 43,8% so với cùng kỳ
Ngành ngân hàng nửa đầu năm 2019 cũng tăng trưởng mạnh, tổng lợi nhuận dành cho cổ đông của 12/18 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh tăng 36,8% so với cùng kỳ. Về bảo hiểm, chưa tính Tập đoàn Bảo Việt (BVH), tăng trưởng lợi nhuận quý II toàn ngành là 56,3%, cao nhất kể từ đầu năm 2018.
Rõ ràng, nhiều ngành nghề tiếp tục có sự bứt phá khi ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng cao. Trong khi đó, không ít nhóm ngành mang tính chu kỳ có kết quả kinh doanh tốt vào giai đoạn quý III và quý IV như tài nguyên cơ bản, dầu khí, cao su… Nhiều khả năng đây sẽ là các nhóm ngành thu hút được dòng tiền, bên cạnh những ngành đang hấp dẫn hiện nay như bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm.
Thống kê 10 năm giai đoạn 2009 - 2019 cho thấy, quý III, thị trường chứng khoán thường có diễn biến thuận lợi hơn quý II. Yếu tố mang tính chu kỳ này có thể gợi ý cho chiến lược đầu tư đón đầu khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng tốc mới.
VN-Index đã hồi phục trong tháng 7 từ ngưỡng 940 điểm lên sát mốc 1.000 điểm. Do các yếu tố ngoại biên tác động, chỉ số trong tháng 8 nhiều khả năng dao động phổ biến trong vùng 970 - 990 điểm và có khả năng bứt phá trở lại ngưỡng 1.000 điểm trong quý IV, hướng tới vùng 1.040 - 1.100 điểm.
Dấu hiệu tích cực là các phiên điều chỉnh mạnh đầu tháng 8 không ảnh hưởng nhiều đến lực cầu tiềm năng. Thanh khoản toàn thị trường có sự cải thiện, vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng/phiên trên 2 sàn niêm yết. Nhiều khả năng, thị trường tiếp tục có những diễn biến khả quan.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực, đầu tư chứng khoán trong tháng 8 nên thận trọng hơn trong giao dịch và chọn lựa cẩn thận các cổ phiếu, hơn là sợ hãi đứng ngoài thị trường.