Đây là vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có quy mô lớn nhất mà một doanh nghiệp bảo hiểm Nhật Bản thực hiện kể từ trước đến nay, vượt xa giá trị 4,73 tỷ USD của vụ Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Tokyo Marine Inc. mua lại Công ty Philadelphia Consolidated Corp. (Mỹ) vào năm 2008.
Ngay tại phiên giao dịch ngày 4/6 tại Sở GDCK New York, sau khi thông tin trên được loan báo, giá cổ phiếu của Protective Life tăng 18% so với phiên giao dịch trước, lên 69,36 USD/cổ phiếu. Tại Sở GDCK Tokyo (Nhật Bản), giá cổ phiếu của Dai-ichi Life cũng tăng 3,39%, lên 1.499 yên/cổ phiếu.
Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal của Mỹ, ông Koichiro Watanabe, Chủ tịch Dai-ichi Life phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Mỹ, thông qua việc đưa công ty bảo hiểm có tiếng như Protective Life vào danh mục đầu tư của mình”. Cho dù đã có văn phòng đại diện ở Mỹ, song với việc mua lại Protective Life, Dai-ichi Life mới chính thức hoạt động kinh doanh tại Mỹ như một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực thụ.
Như vậy, Mỹ trở thành thị trường mới nhất của Dai-ichi Life, sau Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan và Australia.
Ông John D. Johns, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Protective Life vui mừng cho biết: “Đây là thương vụ hoàn hảo với chúng tôi, nằm trong chiến lược phát triển đã được vạch ra, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về kinh doanh. Protective Life sẽ là cơ sở để Dai-ichi Life có thể mở rộng kinh doanh ở thị trường Mỹ”.
Dự kiến, vụ M&A này sẽ hoàn tất mọi thủ tục vào cuối năm nay hoặc chậm nhất vào đầu năm 2015. Khi đó, Dai-ichi Life sẽ là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 13 trên thế giới. Theo hợp đồng, nếu một trong 2 bên đơn phương rút lui, thì sẽ phạt nộp khoản tiền phạt phá vỡ hợp đồng là 140 triệu USD.
Được thành lập năm 1902, Dai-ichi Life là công ty bảo hiểm nhân thọ ra đời đầu tiên tại Nhật Bản (trong tiếng Nhật “Dai-ichi” có nghĩa là “Đầu tiên”, “Đệ nhất”). Ngày 1/4/2010, Dai-ichi Life đã thực hiện thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Tokyo, với tổng giá trị khoảng 11 tỷ USD. Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2014), doanh thu của Dai-ichi Life đạt 5.300 tỷ yên; lợi nhuận thuần đạt 80 tỷ yên. Dai-ichi Life hiện có tổng cộng khoảng 56.000 nhân viên.
Được thành lập năm 1907, Protective Life hiện có 2.500 nhân viên, với doanh thu năm 2013 đạt gần 3 tỷ USD, lợi nhuận thuần là 393,5 triệu USD.
Nhiều nhà phân tích nhận xét, việc Dai-ichi Life “đổ bộ” vào Mỹ nằm trong chiến lược phát triển vươn ra các thị trường nước ngoài của công ty này, bởi thị trường bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đã trở nên chật chội, bão hòa. Theo số liệu của Hãng Bloomberg (Mỹ), khoảng 23% trong tổng số 126 triệu dân của Nhật Bản có tuổi đời trên 65, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 13%. Theo số liệu của Liên hợp quốc, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người già nhiều nhất trên thế giới, với tuổi đời bình quân là 44. Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục vươn ra các thị trường mới là hướng đi đúng của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản nói chung và của Dai-ichi Life nói riêng.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cảnh báo rằng, việc Dai-ichi Life chinh chiến ở thị trường Mỹ cũng chứa đựng một số rủi ro.
Thứ nhất, tương tự như Nhật Bản, Mỹ là nước công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng rất phát triển và cũng có dấu hiệu bão hoà.
Thứ hai, Protective Life chỉ là công ty bảo hiểm nhân thọ hạng trung, lớn thứ 20 ở Mỹ, lại có trụ sở chính ở Birmingham (bang Alabama), miền Nam nước Mỹ. Đây là nơi tỉnh lẻ, xa các trung tâm tài chính lớn như New York, Chicago…, nên kinh doanh sẽ gặp không ít khó khăn.
Lường trước các trở ngại, song ông Koichiro Watanabe rất quyết tâm khai phá thị trường Mỹ. Đây có lẽ là chiến tích cuối cùng trong sự nghiệp lãnh đạo của ông Koichiro Watanabe, vì ông đã hơn 61 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tohoku với bằng cử nhân kinh tế vào năm 1976, ông đã gia nhập Dai-ichi Life và gắn bó liên tục với Công ty từ đó đến nay. Tháng 4/2010, ông được đề bạt vào chức Chủ tịch Dai-ichi Life.
Với việc mua lại thành công Protective Life, ông muốn để lại dấu ấn lớn cuối cùng. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, ông còn muốn tiếp tục vươn tới thị trường Indonesia. Cụ thể, ông đang tiến hành đàm phán với lãnh đạo Panin Life, công ty bảo hiểm nhân thọ hạng trung của Indonesia, với ý đồ mua lại 40% cổ phần với giá khoảng 30 tỷ yên. Vậy thì thương vụ mua lại Protective Life chưa chắc đã là chiến tích cuối cùng của ông.