Năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng đúng vào cao điểm mùa Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ).
Ngày 31/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, sau đó Văn phòng Chính phủ có công văn 2601 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, một số biện pháp cơ bản được áp dụng bao gồm việc cách ly xã hội, hạn chế ra ngoài, không tụ tập quá 20 người.
Ðể chống dịch bệnh lây lan, nhiều doanh nghiệp đã thông báo lùi ÐHCÐ. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp duy trì lịch họp tới phút chót với hy vọng dịch bệnh diễn biến tích cực hơn.
Ðơn cử, CTCP Cấp nước Ðồng Nai (mã DNW) thông báo mời họp ÐHCÐ vào ngày 9/4, trong đó có đề cập tới Chỉ thị 16. Viện dẫn điểm d, Khoản 2, Ðiều 140 - Luật Doanh nghiệp về ủy quyền, gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử, DNW đề nghị cổ đông xem xét ủy quyền cho 6 thành viên HÐQT đương nhiệm để vừa đảm bảo không tập trung trên 20 người, vừa thực hiện quyền cổ đông. Hoặc cổ đông có thể gửi phiếu biển quyết và phiếu bầu thành viên HÐQT, Ban kiểm soát về Công ty trước giờ khai mạc đại hội.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán vào ngày 6/4, người công bố thông tin của DNW cho biết, Công ty sẽ lùi ngày ÐHCÐ sang ngày 17/4, thay vì ngày 9/4 như kế hoạch ban đầu.
Theo báo cáo tài chính riêng quý IV/2019, lũy kế cả năm, DNW đạt tổng doanh thu 944 tỷ đồng, lãi ròng 151,9 tỷ đồng, tăng gần 15 tỷ đồng so với năm trước. Năm 2014, DNW cổ phần hóa và đăng ký giao dịch 100 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, hiện thị giá quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, CTCP Môi trường Sonadezi (mã SZE) lên lịch họp ÐHCÐ vào ngày 10/4. Trong thông báo mời họp, SZE cũng đề cập đến tình hình dịch bệnh và đề nghị cổ đông có thể gửi phiếu biểu quyết tới cuộc họp thông qua gửi thư đến Công ty trước 16h ngày 9/4.
Trả lời câu hỏi của Báo Ðầu tư Chứng khoán, người phụ trách công bố thông tin của SZE cho biết, Công ty chưa có chủ trương hoãn, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, không hội họp quá 20 người.
Cổ đông nếu không tham dự có thể gửi phiếu biểu quyết từ xa. Một cổ đông của SZE cho biết, nếu Công ty vẫn tổ chức đại hội, cổ đông này sẽ mua vé máy bay để tham dự.
Ðược biết, 2 cổ đông lớn đang nắm giữ tới gần 95% vốn của SZE, trong đó tỷ lệ của cổ đông nhà nước là 64,9%.
Chỉ với 2 nhóm cổ đông này, SZE đã đủ tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết để tổ chức Ðại hội. Có khoảng 500 người là cán bộ nhân viên Công ty được mua cổ phần khi SZE tiến hành cổ phần hóa. Tỷ lệ các nhà đầu tư bên ngoài là rất ít.
SZE cổ phần hóa năm 2015 và sau đó 1 năm, Công ty đăng ký giao dịch 30 cổ phiếu trên UPCoM. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu 365 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 31,5 tỷ đồng.
Một trường hợp khác, CTCP Cao su Ðắk Lắk (mã DRG) cũng có quyết định hoãn ÐHCÐ vốn dự định diễn ra vào ngày 11/4. Ngày tổ chức lại, Công ty cho biết là chưa xác định, nhưng cơ bản sẽ tuân thủ quy định trước ngày 30/6.
Hiện các địa phương trên cả nước đều triển khai phòng chống dịch Covid-19, mỗi địa phương có biện pháp khác nhau tùy theo tình hình cụ thể.
Chẳng hạn, một số địa phương phạt nặng đối với các trường hợp tụ tập đông người, có địa phương cách ly người đi từ Hà Nội đến trong 14 ngày. Nếu tổ chức ÐHCÐ có thể sẽ vi phạm quy định tụ tập trên 20 người hoặc cổ đông sẽ khó có thể tham dự.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn phức tạp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nên hoãn ÐHCÐ để tạo điều kiện cho tất các cổ đông có cơ hội tham dự, thay vì chỉ cần lượng cổ phần có quyền biểu quyết của một vài cổ đông lớn.