Đại hội kiểu cho xong, cổ đông cũng có lỗi!

Đại hội kiểu cho xong, cổ đông cũng có lỗi!

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông là dịp hiếm hoi trong năm để cổ đông gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp, nắm tình hình doanh nghiệp, chất vấn về kết quả kinh doanh năm cũ cũng như tính khả thi, hiệu quả hay rủi ro của kế hoạch kinh doanh mới. Nhưng vẫn có tình trạng nhiều đại hội được tổ chức theo kiểu “cho xong”, không đem lại thông tin cụ thể mà cổ đông cần biết.

Cổ đông vẫn còn thụ động

Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia tài chính, cũng là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang tổ chức đại hội cổ đông theo hình thức “cho xong chuyện”. Nghĩa là việc tổ chức đại hội hầu như chỉ nhằm thực hiện thủ tục pháp lý, chứ không đem lại nhiều giá trị thông tin.

Không ít đại hội cổ đông thường niên của công ty đại chúng tạo cho cổ đông cảm giác những báo cáo dài dòng mà lãnh đạo năm này qua năm khác trình bày chỉ cần thay đổi ngày, tháng năm và một vài con số.

Chỉ khi cổ đông, các “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp ý thức được quyền lợi của mình, chủ động tìm hiểu thông tin, bóc tách số liệu trong báo cáo tài chính và sẵn sàng tranh luận với lãnh đạo doanh nghiệp mới giúp cho đại hội cổ đông sôi động và ý nghĩa hơn.

Tại nhiều đại hội, phần chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp được tạo dựng theo kịch bản: doanh nghiệp chuẩn bị sẵn câu hỏi gửi gắm một số cổ đông “người nhà”, vì thế, không khí chất vấn rất hiền hòa và nội dung trả lời cũng không đi vào những vấn đề “nhạy cảm” của doanh nghiệp. 

Thực trạng này, theo ông Luân, có phần nguyên nhân từ chính cổ đông. Nhiều cổ đông vẫn quan niệm việc đi họp đại hội đồng cổ đông là để bỏ phiếu, mà không chú trọng đến việc tìm hiểu thông tin về các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tài chính, triển vọng của các dự án đầu tư… của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, nhiều người đi họp với tư cách được ủy quyền mù mờ thông tin về doanh nghiệp thì làm sao có thể đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo.

Chỉ khi cổ đông, các “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp ý thức được quyền lợi của mình, chủ động tìm hiểu thông tin, bóc tách số liệu trong báo cáo tài chính và sẵn sàng tranh luận với lãnh đạo doanh nghiệp mới giúp cho đại hội cổ đông sôi động và ý nghĩa hơn.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, một số chuyên gia khuyến nghị các cổ đông, nhà đầu tư bên cạnh những câu chuyện thường niên như kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cổ tức, tăng vốn, cần chất vấn lãnh đạo về phản ứng với tình hình thị trường, tỷ giá ra sao; kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ra sao trong xu thế bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Cổ đông cũng nên “mạnh dạn” chất vấn lãnh đạo nếu kế hoạch kinh doanh suy giảm so với kết quả năm trước thì phải có lý do cụ thể, cũng như các vấn đề liên quan đến nới room, nợ xấu và sáp nhập đối với ngành ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ thì phải có  kế hoạch phát hành và phương án đầu tư khả thi, phương án xử lý nợ xấu… 

Cần sự tương tác của hai bên

Mỗi mùa đại hội đồng cổ đông, lại tái diễn câu chuyện có những doanh nghiệp niêm yết triệu tập đại hội phải tới lần thứ ba mới thành do hai lần đầu do không đủ tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian, chi phí.

Tình trạng này có thể xuất phát từ cơ cấu cổ đông phân tán, ở nhiều vùng miền khác nhau, không tiện đến dự đại hội, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng là nhiều cổ đông thực chất là nhà đầu tư lướt sóng trên sàn, họ chủ yếu quan tâm đến sự lên xuống của giá cổ phiếu, mà chưa quan tâm nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không quan tâm đến công tác quan hệ cổ đông...

Đã có nhiều cuộc hội thảo đưa ra về vấn đề làm thế nào để đại hội đồng cổ đông trở nên hiệu quả hơn. Tại đó, đại diện cơ quan quản lý cũng như các thành viên trên thị trường cho rằng, mấu chốt nằm ở tính chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp, công tác quản trị của doanh nghiệp.

Chỉ khi doanh nghiệp chủ động công bố thông tin một cách minh bạch thì mới giải tỏa được thắc mắc của cổ đông, cũng là cách bảo vệ các cổ đông. Ở đây, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng bộ phận quan hệ với cổ đông, tổ chức đầu tư, xây dựng định hướng sản xuất - kinh doanh theo thị trường, kịp thời thông tin tới cơ quan quản lý về định hướng của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong vai trò là cơ quan quản lý, HNX đã và sẽ đưa ra các giải pháp về cải thiện chất lượng quản trị công ty, nhưng điều quan trọng vẫn là ý thức của chính lãnh đạo doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi một sự thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng quản trị tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ doanh nghiệp thay đổi cũng không đủ mà bản thân nhà đầu tư cũng phải ý thức về quyền lợi của mình, nghĩa là sự tương tác phải đến từ cả hai phía sẽ góp phần cho một mùa đại hội thành công hơn.         

Tin bài liên quan