Buổi họp ĐHCĐ thường niên 2018 của CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT) gặp bất lợi ngay từ khi mở màn. Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 28 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 74,5 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 82,43%. Tuy nhiên, ngay khi mở đầu, một cá nhân đại diện cho nhóm cổ đông nắm 33% vốn đề nghị bổ sung thêm nội dung đề cử 3 ứng viên tham gia vào HĐQT để trình ĐHCĐ thông qua ngay.
Tuy hứa nắm giữ cổ phiếu trong thời gian 5 năm sau khi được bầu, thậm chí cam kết bằng một khoản tiền, nhưng nhóm cổ đông này mới sở hữu cổ phiếu trong 2 tháng nên chưa đủ quyền đề cử/ứng cử theo quy định. Dẫu vậy, Ban Chủ tọa vẫn xin ý kiến cổ đông về việc có đưa nội dung này vào chương trình Đại hội hay không. Kết quả, chỉ có 43% tán thành, nên đề xuất này không được đưa vào chương trình nghị sự.
Đây là lý do chính khiến nhóm cổ đông này phủ quyết toàn bộ chương trình Đại hội, chỉ có 57% đồng ý thông qua (theo điều lệ NVT, cần 65% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua). Với kết quả này, Ban Chủ tọa có ý kiến dừng Đại hội, song nhóm cổ đông lớn không đồng ý.
Tại đại hội năm nay của NVT, quá trình chất vấn diễn ra căng thẳng, một trong những vấn đề nổi cộm là việc NVT đã thực hiện bán tài sản có giá trị lớn (phần vốn góp và các khoản nợ của NVT tại Công ty Hai Dung và Công ty Tân Phú) mà không có sự chấp thuận của các cổ đông.
Do đó, nhóm cổ đông chiếm 33% yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự để cổ đông biểu quyết thông qua nội dung "trong bất kỳ trường hợp nào Công ty không được bán Dự án Six Senses Ninh Van Bay” và nội dung này được 99,88% phiếu tán thành.
Cuối cùng, ĐHCĐ NVT chỉ thông qua 3 nội dung, đó là lựa chọn đơn vị kiểm toán, định mức thù lao cho Ban lãnh đạo và không bán dự án Six Senses Ninh Van Bay. Còn lại các nội dung khác như báo cáo của HĐQT, Ban giám đốc, kế hoạch kinh doanh 2018, báo cáo kiểm toán 2017, quy chế nội bộ… đều không được thông qua. Tất nhiên, việc bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT là ông Ikhwan Primanda cũng không được thông qua.
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long (mã HTL), tờ trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã vấp phải sự phản đối của nhóm cổ đông lớn chiếm hơn 65% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo tờ trình này, HTL muốn phát hành thêm 4 triệu cổ phiếu, trong đó 3,6 triệu cổ phần để trả cổ tức và 400.000 cổ phần phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tuy nhiên, phương án này bị bác bỏ khi tỷ lệ đồng ý chỉ chiếm 1%.
Tương tự như NVT, tình hình kinh doanh của HTL từ năm 2015 đến nay không mấy thuận lợi khi cả doanh thu và lợi nhuận đều suy giảm. Quý I/2018, HTL lỗ gần 1 tỷ đồng bởi chi phí lãi vay tăng cao và lượng hàng tồn kho nhiều.
Tại mỗi mùa đại hội, việc các nhóm cổ đông lớn sử dụng quyền phủ quyết để bày tỏ thái độ đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc bảo vệ quyền lợi của mình là điều bình thường và không phải hiếm. Tuy nhiên, điều cần bàn là hậu quả của tình trạng "cơm không lành, canh chẳng ngọt" này, đó là hình ảnh công ty xấu đi, nội bộ doanh nghiệp rối ren, hiệu quả kinh doanh đi xuống, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...