Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Tổng giám đốc VOC cho biết, ngành dầu ăn còn nhiều dư địa tăng trưởng và quy mô ngành dầu ăn hấp dẫn, 30.500 tỷ đồng, trong đó 50% nằm ở thị trường bán lẻ, 5% xuất khẩu và 45% ở kênh công nghiệp và thương mại. VOC đang đảm nhiệm vai trò khai thác kênh khách hàng công nghiệp và xuất khẩu.
Vào tháng 5/2017, thuế tự vệ đối với dầu thực vật tinh luyện về mức 0% nên mức độ cạnh tranh trong ngành càng cao hơn, nhiều đơn vị có thể tự nhập khẩu dầu từ nước ngoài về Việt Nam để phân phối lại. Mục tiêu của VOC là để các nhà bán lẻ này thay vì nhập khẩu ở nước ngoài sẽ nhập trực tiếp tại VOC.
Hiện nay, Tổng công ty đã tham gia 12 ngành hàng và có công thức chuẩn, phù hợp cho mỗi ngành hàng. Trong đó, 4 ngành hàng lớn tiêu biểu là ngành mì ăn liền – giá trị ngành ước đạt 24.000 tỷ đồng, sữa – giá trị ngành ước đạt 68.900 tỷ đồng, bánh kẹo – giá trị ngành ước đạt 11.370 tỷ đồng và công nghiệp chế biến – giá trị ngành ước đạt 7.250 tỷ đồng.
Năm 2018, VOC đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.800 tỷ đồng, tăng 9%, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng.
Tại đại hội, cổ đông thắc mắc về kế hoạch tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận không tăng trưởng theo. Bà Liễu cho rằng, năm 2017, Công ty có ghi nhận một khoản lợi nhuận từ thanh lý đầu tư khoảng 26 tỷ đồng. Nếu không tính đến khoản thanh lý này, mức lợi nhuận kế hoạch cho năm 2018 tăng trưởng 10%.
Ngoài ra, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HDQT VOC chia sẻ, ngành dầu ăn là ngành kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn cho cảng, kho và nhà máy sản xuất… và yêu cầu về vốn lưu động hàng tháng cũng rất lớn. Do vậy, có nhiều nước không đầu tư sản xuất mặt hàng này, nên đây cũng là dư địa cho VOC phát triển hơn thị trường xuất khẩu.
Nguồn thu của Vocarimex chủ yếu là bán nguyên liệu được tinh luyện xong cho các đơn vị kinh doanh và đã có thể đáp ứng những thị trường khó tính ở nước ngoài. Hiện Tổng công ty đã mở rộng xuất khẩu trên nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, Iraq, Ghana…
Mục tiêu của VOC là làm sao có thể cung cấp dầu ăn cho cả khách hàng công nghiệp, thương mại bán lẻ và xuất khẩu và hiện công suất nhà máy của VOC vẫn còn đáp ứng được.
Do đang trong quá trình mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu nên có thể lợi nhuận tăng trưởng chưa cao như mong muốn của cổ đông, nhưng về dài hạn, VOC sẽ tăng trưởng vững vàng, mạnh khỏe hơn.
Cổ đông ý kiến về tình hình thanh khoản thấp của cổ phiếu VOC và đề nghị HĐQT có giải pháp để cải thiện tình hình trên.