Đại hội đồng cổ đông Vinamilk (VNM): Sửa điều lệ, cổ đông sở hữu từ 10% trở lên có quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT

Đại hội đồng cổ đông Vinamilk (VNM): Sửa điều lệ, cổ đông sở hữu từ 10% trở lên có quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán VNM) diễn ra sáng nay (26/4) đã thông qua sửa đổi điều lệ Công ty với việc tập trung điều chỉnh một số điểu khoản và lược bỏ các quy định không còn phù hợp hoặc không thể áp với Vinamilk.

Theo Điều lệ mới, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử ứng cử người vào Hội đồng quản trị. Cụ thể, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần phổ thông được đề cử, ứng cử tối đa 01 thành viên; từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần phổ thông được đề cử, ứng cử tối đa 02 thành viên; từ 30% tổng số cổ phần phổ thông trở lên được đề cử, ứng cử tối đa 03 thành viên.

Theo điều lệ hiện hành, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên lục từ 06 tháng trở lên được quyền đề cử, ứng cử thành viên Hội đồng quản trị.

Cụ thể, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% đến dưới 10% số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng được đề cử 01 ứng cử viên để bầu vào Hội đồng quản trị; từ 10% đến dưới 30% được đề cử tối đa 02 ứng cử viên; từ 30% đến dưới 40% được đề cử tối đa 03 ứng cử viên; từ 40% đến dưới 50% được đề cử tối đa 04 ứng cử viên; từ 50% đến dưới 60% được đề cử tối đa 05 ứng cử viên; từ 60% đến dưới 70% được đề cử tối đa 06 ứng cử viên; từ 70% đến dưới 80% được đề cử tối đa 07 ứng cử viên; và từ 80% đến dưới 90% được đề cử tối đa 08 ứng cử viên.

Ngoài ra, HĐQT cũng trình ĐHCĐ bổ sung thêm quyền của cổ đông phổ thông. Theo đó, Điều lệ mới bổ sung thêm một số quyền của cổ đông phổ thông theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Điều lệ mẫu và Điểm a và c, Điều 41, Luật Chứng Khoán, cụ thể bổ sung thêm các quyền "Được Công ty đối xử bình đẳng".

Theo đó, mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho cổ đông sở hữu các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Trường hợp Công ty có các loại cổ phần ưu đãi, các quyền và nghĩa vụ gắn liền với các loại cổ phần ưu đãi phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và công bố đầy đủ cho cổ đông; và Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Được quyền tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do Công ty công bố theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông: Áp dụng theo quy định tại Khoản 2, Điều 275, Nghị định 155, Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc.

Bỏ nội dung Quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của Công ty để tránh trùng lặp, vì "Điều lệ hiện hành đã quy định rõ Công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Việc thay đổi số lượng người đại diện sẽ dẫn tới việc sửa đổi Điều lệ (thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông).

Trả lời cổ đông về chiến lược mua bán, sáp nhập, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: "Chiến lược mua bán, sáp nhập của Vinamilk không thay đổi và chúng tôi sẽ luôn tìm cơ hội tốt để xem xét đầu tư cả trong ngoài nước”.

Cũng theo bà Liên, năng lực sản xuất đã được Vinamilk chuẩn bị rất tốt, nên trong 5 năm tới sẽ không cần đầu tư nhiều cho các kế hoạch này. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục đầu tư cho M&A và có thể đầu tư để đi theo 1 ngành mới.

Đại hội đã thông qua mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất cho năm 2021 là 62.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 11.240 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng doanh thu 4,1% và lợi nhuận giữ ổn định so với cùng kỳ.

Duy trì chính sách cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho năm tài chính 2021 và thông qua tạm ứng cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu cho đợt 1/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến 08/09/2021) và 1.400 đồng/cổ phiếu cho đợt 2/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến 31/12/2021).

Trao đổi với cổ đông về việc trình kế hoạch tăng trưởng thấp và lợi nhuận đi ngang so với năm 2020, bà Mai Kiều Liên cho biết, không ai muốn tăng trưởng thấp. Vì dự báo tình hình sẽ còn có nhiều khó khăn, nên năm 2021, Công ty trình kế hoạch kinh doanh tính toán hết sức thận trọng.

“Chúng ta chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ như thế nào. Nếu Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng thì các kế hoạch kinh doanh còn khó đoán. Tình hình thế giới nhiều nước cũng đang bùng phát dịch trở lại, chính vì thế chưa có miễn dịch cộng đồng, tất cả những diễn biến tưởng chừng yên ổn chỉ là tạm thời. Dịch bùng phát ảnh hưởng nhiều không chỉ đến sức mua, mà còn tác động rất lớn đến đầu vào nguyên vật liệu…. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá sữa và tác động nên kết quả kinh doanh của Công ty", bà Liên bày tỏ.

Đối với Vinamilk, ngoài ảnh hưởng về dịch bệnh sức mua thị trường giảm sút, còn bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu thế giới năm nay tăng cao chưa từng có. Lợi nhuận phụ thuộc vào doanh số nếu sức mua thấp thì doanh số cũng không thể cao.

“Doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đưa ra như mức đã trình là con số chúng tôi đã cân nhắc và sẽ cố gắng hết sức để công ty tiếp tục tăng trưởng tốt hơn. Chúng tôi hy vọng quý cuối 2021 giá sữa sẽ giảm xuống”, bà Liên nói.

Theo Tổng giám đốc Vinamilk, dù tình hình doanh thu nội địa quý I/2021 không tăng như kỳ vọng nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng 8%. Thị trường Mỹ hy vọng năm nay sẽ tăng trưởng khả quan vì việc trích ngừa đã được triển khai rất tốt. Dự kiến đến tháng 5/2021 khi Mỹ thực hiện xong chương trích ngừa toàn dân thì công ty bên đó sẽ có thể hoạt động bình thường.

Được biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk trong quý I/2021 ước đạt 13.241 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng, tương ứng đạt 21,3% và 23,17% kế hoạch năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón những thông tin tích cực trong quý I/2021 với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường Singapore. Xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục mạch tăng trưởng của năm 2020.

Các công ty con, dự án liên doanh của Vinamilk đạt những kết quả khả quan điển hình là Angkormilk với mức tăng trưởng gần 20%, Mộc Châu Milk tăng trưởng hơn 10% và chính thức được giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM chỉ sau chưa đầy 1 năm về với Vinamilk.

Các dự án liên doanh ViBev giữa Vinamilk và Công ty Kido, dự án liên doanh tại Philippines đang triển khai các hoạt động kinh doanh, khai thác thị trường như kế hoạch. Dự kiến các liên doanh này sẽ ra mắt sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vào quý III và IV/2021.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Tiêu biểu là việc đón thành công 2.100 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ về trang trại mới của Vinamilk tại Quảng Ngãi vào ngày 21/03/2021. Đây là trang trại mới có quy mô 4.000 con, diện tích trên 100 ha với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng nằm trong hệ thống trang trại sinh thái “Green Farm” mà Vinamilk đang đầu tư phát triển từ đầu năm 2021.

Theo kế hoạch, Công ty cũng sẽ nhập khẩu hơn 5.000 con bò sữa cao sản để gia tăng tổng đàn cho các dự án trang trại trong năm nay. Ngoài ra, trong năm 2021, Vinamilk sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn để mở rộng quy mô.

Cụ thể, dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Sơn La; Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro (Lào); Dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico...

Đại hội cũng thông qua việc từ nhiệm của hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Thắm, đồng thời nhất trí bầu bổ sung bà Tiêu Yến Trinh cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập và ông Hoàng Ngọc Thạch cho vị trí Thành viên HĐQT không điều hành.

Hiện tại, Bà Tiêu Yến Trinh đang là Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của CTCP Kết Nối Nhân tài (Talentnet) và ông Hoàng Ngọc Thạch đang là Phó trưởng Ban Quản lý rủi ro SCIC…

Tin bài liên quan