Ông Thành chia sẻ thêm, tại ĐHCĐ 2016 đã thông qua giao cho HĐQT tìm kiếm các ngân hàng để sáp nhập nhưng mọi việc vẫn đang trong lộ trình, chưa có ngân hàng nào rõ nét để M&A.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng được NHNN giao hỗ trợ 1 trong 3 ngân hàng yếu kém, Ngân hàng chỉ hỗ trợ về mặt nhân sự và kỹ thuật trong quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Theo quy định của NHNN, ngân hàng tham gia hỗ trợ sẽ không có thiệt hại về mặt tài chính.
Liên quan đến vấn đề thoái vốn, ông Thành cho biết, Vietcombank chỉ còn vốn ở hai TCTD, đã đáp ứng điều kiện về số lượng nắm cổ phần tại TCTD tại hai tổ chức, vấn đề giờ chỉ là giảm tỷ lệ sở hữu.
Ngay trong quý II/2018, nếu thị trường có tín hiệu tích cực, Vietcombank sẽ thoái vốn tại hai tổ chức này để đảm bảo thoả mãn về tỷ lệ sở hữu theo quy định.
“Tháng 12/2017, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ 10% cho cổ đông nước ngoài (tối đa 10 nhà đầu tư). Dự kiến, nhà đầu tư chiến lược Mizuho sẽ tiếp tục mua để đảm bảo tỷ lệ sở hữu. Giá bán cho nhà đầu tư không thấp hơn giá thị trường và giá định giá. Vietcombank đang thuê tổ chức định giá, cân nhắc theo ba phương pháp: so sánh, giá thị trường, chiết khấu dòng tiền”, ông Thành cho biết thêm.
Trước thắc mắc của cổ đông về lịch sử chi trả cổ tức giai đoạn 2010 - 2014 được tới 12%, nhưng đến năm 2015, chính sách cổ tức đã giảm 10% và từ năm 2016 giảm xuống 8%, ông Thành cho biết, nguyên do là vốn điều lệ tăng, nên chi trả cổ tức giảm mặc dù kết quả kinh doanh tăng.
Ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch mở thêm chi nhánh trong và ngoài nước, cụ thể, thành lập thêm 1 chi nhánh nước ngoài. Định hướng này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, mở chi nhánh tại Lào và trong năm 2018 hay 2019 sẽ hiện diện tại Úc, tiếp đó mở văn phòng đại diện ở Mỹ.
ĐHCĐ Vietcombank thông qua số thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập. Tuy nhiên, số thành viên được bầu vào HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 là 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập là ông Trương Gia Bình.
Thông tin tại ĐHCĐ cho biết, tổng tài sản Vietcombank cuối năm 2017 đạt 1.035.293 tỷ đồng, tăng 31,39% so với năm 2016. Vốn chủ sở hữu đạt 52.558 tỷ đồng, tăng 9,16% so với năm 2016. Huy động vốn từ nền kinh tế bao gồm cả phát hành giấy tờ có giá đạt 726.734 tỷ đồng, tăng 20,97% so với năm 2016, vượt kế hoạch đã đặt ra trong năm 2017.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng-NHNN, đại diện phần vốn của nhà nước phát biểu tại ĐHCĐ
Dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt, đạt 557.688 tỷ đồng, tăng 17,19% so với cuối năm 2016, hoàn thành kế hoạch năm 2017 và nằm trong mức kiểm soát của NHNN.
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn được kiểm soát, tỷ trọng dư nợ trung dài hạn được giữ ở mức 43,05% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể. Dư nợ nhóm 2 tại 31/12/2017 ở mức 4.783 tỷ đồng, giảm 2.637 tỷ đồng so với cuối 2016 (giảm ~35,54%). Tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,86%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với 2016.
Dư nợ xấu nội bảng tại 31/12/2017 ở mức 6.208 tỷ đồng, giảm 714,4 tỷ đồng so với 2016 (giảm ~10,32%). Tỷ lệ nợ xấu là 1,11%, giảm 0,34 điểm phần trăm so với cuối 2016, thấp hơn mức khống chế kế hoạch (1,5%). Dư quỹ dự phòng rủi ro 8.113 tỷ đồng, tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu duy trì ở mức cao (~130,69%). Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.185 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Về định hướng hoạt động kinh doanh năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% so với năm 2017 ở mức 1.055.004 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% so với năm 2017 đạt 641.341 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% so với năm 2017 đạt 835.744 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với năm 2017 đạt 13.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8%.
Trên cơ sở tổng mức thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2017, theo Nghị quyết ĐHCĐ là lợi nhuận sau thuế x 0,35% = 31,87 tỷ đồng, tổng số tiền đến nay đã chi cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát là 20,5 tỷ đồng. HĐQT tiếp tục đề xuất ĐHCĐ phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2018 là 0,35% lợi nhuận sau thuế.