ĐHCĐ VietBank đã thông qua các nội dung, trong đó có việc Ngân hàng sẽ có kế hoạch tái cấu trúc và dự kiến đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, về mục tiêu tăng vốn điều lệ, do điều kiện thị trường đang tốt nên HĐQT VietBank dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu nhanh hơn kế hoạch. Trong năm 2018, VietBank sẽ tăng thêm hơn 1.007 tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng và CBNV.
Toàn bộ cổ phần vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, sinh lợi cho hoạt động kinh doanh.
HĐQT Vietbank đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc chi 1.400 tỷ đồng mua bất động sản là tòa nhà LIM II tại số 62A CMT8, phường 6, quận 3, TP.HCM. Thời điểm mua dự kiến trong quý III-IV/2018 - nơi VietBank đang đặt trụ sở chi nhánh.
LIM II được xây dựng trên tổng diện tích đất là 2.200 m2, gồm 18 tầng với 4 tầng cho khu thương mại, 13 tầng cho văn phòng. Tổng diện tích xây dựng vào khoảng 28.000 m2, diện tích sử dụng đạt 8.400 m2. Hiện Vietbank đang hoạt động từ tầng 6 đến tầng 11, chiếm gần 50% tổng số (6/13) tầng cho thuê làm văn phòng của tòa nhà.
Được biết, tòa nhà LIM II có chủ sở hữu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chợ Đũi, được thành lập từ năm 2011, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng (tính đến giữa tháng 7/2017) do Công ty Bất động sản Nhất Khang và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm góp vốn. Công ty Chợ Đũi đang là công ty thành viên của Tập đoàn Hoa Lâm – đơn vị có mỗi quan hệ mật thiết với Vietbank.
Cụ thể, Tập đoàn Hoa Lâm có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Nhất Nguyên được sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa – hiện đang là Chủ tịch HĐQT Vietbank. Công ty đang kinh doanh trong các lĩnh vực từ bất động sản, y tế, tài chính ngân hàng. Trong đó, riêng về mảng ngân hàng, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Vietbank từ năm 2006.
Kết thúc năm 2017, VietBank đạt lợi nhuận trước thuế 263 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng so với năm 2016 và vượt kế hoạch 228 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 đạt 262,5 tỷ đồng, đã bù hết các khoản lỗ lũy kế từ những năm trước đó,
Mục tiêu 2018 được VietBank đặt ra ở mức lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Ngân hàng cũng định hướng đẩy mạnh phát triển thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, để thận trọng Vietbank đưa ra 2 kịch bản - một là "tối thiểu", một là "phấn đấu" với mức chênh lệch khá lớn về chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên nhìn chung, mức tăng trưởng ở cả hai kịch bản đều tỏ ra khá khiêm tốn với thành tích trong năm 2017.
Kịch bản thứ nhất, dựa trên điều kiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 11% - là mức mà NHNN giao, Vietbank kỳ vọng tổng tài sản đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Dư nợ cho vay dự kiến đạt 31.900 tỷ đồng, huy động từ khách hàng là 39.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 27%. Lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt được sẽ ở mức 97 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2017;
Kịch bản thứ hai là kế hoạch kinh doanh "phấn đấu" với điều kiện NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng lên đến 32%. Nếu vậy, tổng tài sản dự kiến tăng 30%, đạt 54.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 51%, lợi nhuận trước thuế tăng 14% đạt 300 tỷ đồng.
Ngoài lợi nhuận, trong năm 2018 Vietbank cũng có kế hoạch hoàn tất và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hoàn tất thủ tục thành lập thêm 18 điểm giao dịch (5 chi nhánh và 13 phòng giao dịch) trên toàn quốc.
Về kế hoạch niêm yết, trước mắt nhà băng sẽ tăng vốn điều lệ đợt 1 khoảng 500 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Đến năm 2020, VietBank sẽ niêm yết trên sàn HOSE.
Đối với phương án cơ cấu lại hoạt động trong giai đoạn từ 2016-2020, ngoài việc tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính như đã trình bày ở trên, VietBank còn đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản mỗi năm 30% để nâng tổng tài sản lên mức 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Ngoài ra, Ngân hàng còn nâng cao công tác quản trị rủi ro, chuẩn bị ngay từ bây giờ để đáp ứng Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 2020, phấn đấu để đạt Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Hiện VietBank nằm trong nhóm Ngân hàng lành mạnh, nợ xấu chỉ ở mức 1,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chỉ khoảng 200 tỷ đồng, nếu mua hết nợ từ VAMC về thì tổng nợ xấu của Ngân hàng chỉ khoảng 1,3-1,4%.