Đại hội đồng cổ đông TPBank (TPB): Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 5%

Đại hội đồng cổ đông TPBank (TPB): Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 5%

(ĐTCK) “Trước đại dịch Covid-19, HĐQT có tham vọng hơn nhưng trước tình hình dịch bệnh hiện vẫn có những diễn biến khó lường, HĐQT cần bảo đảm duy trì hoạt động ngân hàng, kiểm soát nợ xấu, do vậy lợi nhuận trước thuế năm 2020 chỉ tăng 5% so với năm 2019”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết tại ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra sáng 27/5 tại Hà Nội.

Định hướng kinh doanh trong năm 2020, ông Phú cho biết vẫn kiên định, không thay đổi mục tiêu Ngân hàng hàng đầu phát triển công nghệ số. Định hướng phát triển toàn diện, trong đó tập trung mũi nhọn phát triển ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ đối với ngân hàng bán lẻ. Tiếp tục đẩy mạnh phân khúc khách hàng lớn trên cơ sở kiểm soát chặt rủi ro, tránh việc phát sinh nợ quá hạn và nợ xấu.

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra vấn đề là cắt may thế nào cho phù hợp”, ông Phú nói.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ nhằm đảm bảo trong mọi tình huống, TPBank vẫn hoạt động ổn định; đồng thời đẩy mạnh hoạt động marketing để hỗ trợ phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu Ngân hàng. Tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch cũng như hệ thống Live Bank VTM đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh và phục vụ khách hàng.

Về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Phú cho biết, dự kiến tổng tài sản tăng 109% đạt 180.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 119% đạt 10.199 tỷ đồng; dư nợ cho vay và trái phiếu với dự kiến tăng 115% đạt 117.181 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt 4.068 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.

Đối với ngân sách hoạt động của HĐQT năm 2020, ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch HĐQT cho biết, dự trù là 21,1 tỷ đồng; cụ thể, chi thù lao khoảng 14,4 tỷ đồng, chi tư vấn 2 tỷ đồng, các chi phí hoạt động khác là gần 4,8 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, Ngân hàng đã có 3,2 triệu khách hàng và lượng khách hàng đã ngày càng lớn nên nhu cầu mở rộng mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch…

Theo đó, để nâng cao hiệu quả mạng lưới hoạt động, hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với các chi nhánh, phòng giao dịch đã được NHNN chấp thuận thành lập, tìm kiếm địa điểm thích hợp để xin phép NHNN cho thành lập mới 5 chi nhánh, 5 phòng giao dịch. Mở rộng mạng lưới LiveBank với thêm ít nhất 100 điểm, hướng tới mục tiêu mở mới 150 điểm trong năm 2020.

Cũng theo ông Hưng, là một Ngân hàng hiện đại thì mức thu từ dịch vụ và ngoài lãi phải trên 30% chứ không thể trông đợi vào tín dụng. Do vậy, TPBank tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ, ưu tiên phát triển các sản phẩm cho vay tín chấp, sản phẩm thẻ tín dụng, ghi nợ quốc tế hướng đến tệp khách hàng có mục tiêu số lượng lớn đồng thời đẩy mạnh doanh số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua triển khai và hoàn thiện các mô hình nhân sự chuyên bán bảo hiểm, xây dựng hạ tầng cho cung cấp sản phẩm bảo hiểm online.

“Trong dịch bệnh Ngân hàng không giảm lương và chế độ đãi ngộ của cán bộ nhân viên để giữ nhân sự. Đây là động lực gắn kết của nhân viên đối với Ngân hàng. Tuy nhiên, TPBank sẽ không tuyển dụng thêm nhân sự và tăng lương từ nay đến cuối năm, trong khi đó sẽ tăng năng suất lao động của nhân sự”, ông Hưng nói và cho biết thêm, kế hoạch tăng trưởng dư nợ dự kiến 15% tuỳ thuộc vào mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép và NHNN cho tăng tín dụng đến đâu có thể tăng trưởng đến đó.

Phương án cho lợi nhuận để lại chưa phân phối năm 2019 là 991,6 tỷ đồng, theo đó, TPBank chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% cho tổng số cổ phiếu lưu hành theo quy định của NHNN.

Trả lời chất vấn cổ đông, về định hướng trung, dài hạn của Ngân hàng, ông Phú cho biết, NHNN đã có lộ trình cho vay trung dài hạn đối với các ngân hàng và TPBank sẽ tuân thủ. Do đó, việc nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ đòi hỏi Ngân hàng phải tính toán rất kỹ sao cho phù hợp.

Đối với câu hỏi của cổ đông về NIM của TPBank, ông Hưng cho biết, năm 2020, NIM của Ngân hàng sẽ mỏng hơn các năm trước do chia sẻ khó khăn với khách hàng trong đại dịch Covid-19 liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, trong khi đó, lãi suất huy động chưa giảm ngay được. Ngân hàng cũng cần phải hạ lãi suất mới có thể đẩy được vốn ra.

"Trước đây, NIM của Ngân hàng 3-4%, dự kiến năm nay giảm 0,5-1%", ông Hưng tiết lộ.

Liên quan đến câu chuyện nợ xấu, ông Hưng cho biết, nợ xấu không chỉ là tỷ lệ bao nhiêu mà còn liên quan đến lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc thu hồi nợ khách hàng là điều rất tế nhị bởi khách hàng khó khăn mà ngân hàng ráo riết thu hồi nợ là việc tế nhị. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, việc thu hồi nợ vẫn phải kiên quyết nhưng sẽ rất khéo kéo và phấn đấu tỷ lệ nợ xấu càng thấp càng tốt, dưới 3%.

Ông Phú thông tin thêm: "Ngân hàng đã chuẩn bị sản phẩm cho vay khu công nghiệp để chuẩn bị cho việc dịch chuyển nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, các tiêu chí đều phải rất cẩn trọng ví dụ như TPBank được mời rót vốn vào 3 dự án nhưng Ngân hàng nhận thấy không phù hợp khẩu vị rủi ro nên đã từ chối".

Tin bài liên quan