Lợi nhuận tăng trưởng kép 48%/năm trong 7 năm chuyển đổi
Tại ĐHCĐ, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, sau 7 năm của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026), VIB đã thiết lập được một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng vượt trội về quy mô, chất lượng và giá trị thương hiệu, đưa Ngân hàng vào nhóm dẫn đầu ngành về hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng quy mô tài sản và doanh thu, quản trị chi phí hiệu quả, kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
Lợi nhuận của VIB đã đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) là 48%/năm trong suốt giai đoạn 7 năm qua, mức hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%, top đầu ngành trong nhiều năm liên tiếp. Các chỉ số về tăng trưởng doanh thu, hiệu quả hoạt động và kiểm soát chi phí đều vượt trội so với trung bình top 10 ngân hàng niêm yết.
Sau 6 năm, tổng số thẻ tín dụng lưu hành đạt hơn 700.000 thẻ, tăng gấp 8 lần, chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng VIB tăng trưởng hơn 10 lần, đạt mốc tổng chi tiêu 4 tỷ USD trong năm 2023, duy trì vị thế top đầu thị phần MasterCard tại Việt Nam.
Tăng trưởng lợi nhuận VIB hàng năm, 2017-2023. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 |
Hệ sinh thái Ngân hàng số VIB tiếp tục mở rộng, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ đa dạng phục vụ cho các nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng, góp phần quan trọng giúp VIB tăng thêm 1 triệu khách hàng mới trong năm 2023. Số lượng giao dịch trên nền tảng số đạt hơn 300 triệu giao dịch, tăng hơn 130% so với năm 2022 và tăng 60 lần sau 7 năm, đưa tỷ lệ giao dịch qua kênh số chiếm đến 94% tổng lượng giao dịch bán lẻ.
Chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng tăng vốn lên 29.791 tỷ đồng
HĐQT VIB trình và ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng, tăng 17,44% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 12,5%.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với 2023; Tổng tài sản 492.000 tỷ đồng, tăng 20%; Tổng dư nợ tín dụng 320.600 tỷ đồng, tăng 20%; Huy động vốn 315.200 tỷ đồng, tăng 21%; Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Ông Đặng Khắc Vỹ cho hay, trong năm qua, mặc dù thị trường có khó khăn, song VIB cũng đạt được những kết quả khả quan. Năm 2024 cũng được dự báo là một năm còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế thế giới và trong nước. Đối với hoạt động của ngành ngân hàng cũng sẽ khó tránh được ảnh hưởng, do đó mục tiêu của VIB là tập trung quản lý rủi ro, đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững.
VIB cho biết, sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động bán lẻ để hướng đến tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chất lượng và quy mô.
Để đạt được các mục tiêu kinh doanh năm 2024 và chiến lược cho 3 năm còn lại của hành trình chuyển đổi, HĐQT VIB xác định 6 định hướng chiến lược như: Giải pháp khách hàng, sản phẩm sáng tạo và vượt trội; công nghệ và ngân hàng số xuất sắc; phát triển con người VIB; thương hiệu hàng đầu; đi đầu trong việc ứng dụng các chuẩn mực quốc tế; quản trị rủi ro và tuân thủ vững mạnh.
Lợi nhuận quý I/2024 đạt 2.600 tỷ đồng; tín dụng tăng gần 1%
Trong phần thảo luận, trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Đặng Khắc Vỹ thông tin, lợi nhuận quý I/2024 của VIB là 2.600 tỷ đồng trước thuế. Do đó, với mục tiêu đưa ra hơn 12.000 tỷ đồng trong năm nay là khả thi.
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Vỹ cho hay, tỷ lệ nợ xấu cơ cấu theo Thông tư 02 của VIB đến thời điểm này đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của VIB cuối năm 2023 là 2,2% và hiện nay khoảng 2,4%; các biện pháp giảm nợ xấu đang được VIB thực thi.
Năm 2023, VIB trích dự phòng mạnh, hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó dùng 3.600 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, với sự kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên và từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã thu hồi được 200 tỷ đồng, khả năng năm nay sẽ có 1.000 tỷ đồng được hoàn nhập dự phòng rủi ro.
Về tình hình tăng trưởng tín dụng, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc tài chính VIB cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm 2023 tăng trưởng so với 9 tháng đầu năm. Còn hiện nay, cầu tín dụng chưa tăng trưởng đột phá, song đã bắt đầu trở lại, nhất là đối với tín dụng mua nhà, thẻ tín dụng…
Trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB ước đạt 1%. Điều này cũng phù hợp với tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khi đến ngày 25/3 tăng 0,26%. Mức tăng trưởng này cũng đã cao gấp đôi so với trung bình của ngành.
Cũng theo ông Long, 95% các khoản vay của VIB đều có tài sản đảm bảo mà chủ yếu là sổ hồng, sổ đỏ, cho dù các khoản vay nhỏ, lẻ như mua nhà… Điều này cho thấy, việc quản trị rủi ro của VIB luôn được nâng cao và chính sách của ngân hàng bán lẻ sẽ ngày một khác biệt.
Về mảng bancassurance với Manulife, ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB cho biết, sau hoạt động trong những năm qua, nhắc đến Manulife thì sự cẩn trọng cao hơn. VIB ưu tiên không để lùm xùm xảy ra, phải huấn luyện, đào tọa để các cấp nắm rõ hoạt động bancassurance. Sau đó, chuyển tải thành quy trình để nhân viên tuân thủ pháp luật.
"VIB đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Prudential và chúng tôi cũng đã thành lập một ủy bản cam kết về các điều khoản tuân thủ quy định. Hoạt động thanh tra, giám sát được thực hiện để phát hiện trường hợp không đúng chuẩn, xử lý nghiêm khắc", ông Vũ cho biết.
Về định hướng gì để phát triển CASA trong thời gian tới, ông Hồ Vân Long cho biết, tỷ lệ CASA của VIB đang dao động từ 11 - 13%. Việc tỷ trọng tiền gửi giá rẻ tăng mạnh, cùng với nguồn huy động ngoại tệ là cơ sở để Ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay.
Ông Đặng Khắc Vỹ bổ sung thêm, đa số ngân hàng bán buôn có hệ sinh thái doanh nghiệp nên tỷ lệ CASA cao. Ngân hàng bán lẻ sau 5 - 7 năm đầu tư vào bán lẻ, riêng CASA bán lẻ tăng 31%.