Hội trường lớn được chuẩn bị cho sự kiện này bởi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng lớn, nhiều cổ đông. Nhưng sự trùng hợp không mong muốn đã khiến đại hội còn rất nhiều hàng ghế trống. Phần đăng ký cổ đông có thêm một bước bắt buộc trước khi vào hội trường là đo thân nhiệt bởi đội y tế trực tại sự kiện. Đồng thời khẩu trang, nước rửa tay khô cũng sẵn sàng phục vụ.
Dù số lượng cổ đông đến không như dự kiến nhưng Đại hội vẫn diễn ra vì tỷ lệ tham dự được đảm bảo, điều này không không có gì đặc biệt vì dù là ngân hàng lớn, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước và cổ đông chiến lược đủ và vượt qua xa mức yêu cầu.
Dù hội trường khá vắng, nhưng ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán vẫn có nhiều nhà đầu tư tham dự, một số tản ra khu vực hành lang và chỉ vào hội trường khi đến phần bỏ phiếu.
Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào ĐHĐCĐ 2020 của BIDV
Khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cũng sẵn sàng
Những hàng ghế trống
Trước khi trình bày về kế hoạch của Ngân hàng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV ghi nhận sự tham dự Đại hội của cổ đông trong thời điểm dịch bệnh, thể hiện sự chia sẻ của cổ đông với Ngân hàng.
Theo ông Tú, năm 2020, kịch bản tăng trưởng tín dụng ngân hàng đặt ra đầu năm là 13% nhưng NHNN yêu cầu là 9%, bán lẻ sẽ được ưu tiên nhưng ưu tiên có chọn lọc hệ số rủi ro thấp. Các chỉ tiêu khác được xác định là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%; tổng tài sản 1.568.000 tỷ đồng; mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2020 mức tối đa 0,41% lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2020.
Liên quan tới vấn đề tăng vốn, phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2020 dự kiến 6.230, vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là 46.450 tỷ đồng (tăng 15,5% so với 31/12/2019).
“Lợi nhuận riêng lẻ BIDV dự kiến 12.500 tỷ đồng trên cơ sở kịch bản dịch được kiểm soát tốt vào cuối tháng 3. Nhưng trước tình hình thực tế hiện nay, rõ ràng tình hình khó khăn nên sẽ xây dựng kịch bản xấu hơn, sẽ xin phép cổ đông giao cho HĐQT, Ban lãnh đạo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trên nguyên tắc tốt nhất, đạt lợi nhuận cao nhất cho cổ đông và ngân hàng”, ông Tú nói.
Đề cập đến câu chuyện nợ xấu của Ngân hàng, ông Tú cho biết là 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhưng trong đó ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 6.300 tỷ đồng.
“Đầu năm nay, ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng cho VAMC và đến giờ này, chúng tôi đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC”, ông Tú cho biết
Về tác động của dịch COVID-19, ông Tú cho biết, đây là dịch có tác động rất lớn tới nền kinh tế đất nước. Với tình hình này, chưa ai dự đoán được sẽ như thế nào, và có thể sẽ phức tạp hơn hiện tại. Ngân hàng đưa ra 8 ngành tác động như y tế, chi phí nhân công, đầu tư, bán lẻ, kinh doanh theo chuỗi, tài chính…
Ngay sau khi có dịch, ông Tú cho biết, BIDV đã chủ động báo cáo NHNN, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng, phân loại các nhóm nhu cầu khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới. Khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ và có thể được giảm lãi.
“2 tháng đầu năm, BIDV hoạt động bình thường, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng. Tín dụng của ngân hàng giảm gần 2%, huy động giảm 1,6%, tuy nhiên cũng là phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Những tháng đầu năm như tháng giêng, khách hàng rất ít khi đi vay, bên cạnh đó, chúng ta còn chịu tác động kép từ tác động của dịch bệnh, cả phía cung lẫn phía cầu, người sản xuất, thói quen-hành vi của người dân”, ông Tú nói.
Được biết, năm 2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.489.957 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.374.765 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với năm 2018. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.325.737 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.134.503 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018, chiếm 13,8% thị phần tín dụng toàn ngành.
Về hiệu quả hoạt động, thu dịch vụ ròng của BIDV đạt 6.038 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2018, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ các dòng dịch vụ bán lẻ, ngân hàng hiện đại như thu dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng điện tử…
BIDV thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước, năm 2019 nộp 8.550 tỷ đồng; đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông, thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt với tổng giá trị 4.560 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.
Năm 2019 với việc chính thức hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (KEB Hana Bank), BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam.
Đến cuối năm 2019, thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%. Giá trị vốn hóa thị trường của BID cuối năm 2019 đạt 186.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV.
8h sáng, Đại hội đã nhiều cổ đông đến đăng ký tham dự nhưng thực tế hội trường lúc 9h30 khá vắng vẻ do các cổ đông tản ra ngoài hành lang. Tuy nhiên, đến thời điểm bỏ phiếu, các cổ đông đã quay về hội trường bỏ phiếu.
Tại Đại hội, HĐQT BIDV đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc bầu ông Lê Kim Hoà, Phó Tổng Giám đốc BIDV và ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất kinh doanh vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Phan Đức Tú cho biết BIDV sẽ tham gia ở quy mô 120.000 tỷ đồng.