Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB: HOSE) tổ chức sáng nay (20/4), trả lời thắc mắc cô đông, tại sao cổ đông đầu tư vào Sacombank không có cổ tức, trong khi HĐQT, Ban kiểm soát vẫn được nhận thù lao 2% trên tổng lợi nhuận, ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank đang giai đoạn tái cơ cấu nên cổ tức phải chờ sau giai đoạn tái cơ cấu.
Theo đề án tái cơ cấu, phải sau 10 năm mới hoàn tất theo đề án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Vì thế, với nhà đầu tư mua cổ phiếu Sacombank, thì giờ giá lên muốn bán có thể bán kiếm lời hoặc là chờ thời gian sau tái cơ cấu để hưởng cổ tức.
"Không chỉ các công đông nhỏ, lẻ, mà ngay cả HĐQT là những người như chúng tôi tham gia vào HĐQT Sacombank cũng phải chịu thiệt thòi không nhận cổ tức mà phải cam kết nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu", ông Minh nói và cho biết, trong năm qua, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi mục tiêu ban đầu chỉ có 10.000 tỷ đồng.
Đối với việc trích 20% lợi nhuận vượt chỉ tiêu đề thưởng cho cán bộ nhân viên, điều này không có gì là không hợp lý. Bởi cán bộ nhân viên chính là những người lao động tạo ra của cải và lợi nhuận cho Ngân hàng.
Không có kế hoạch sáp nhập thêm ngân hàng khác
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc Sacombank có chủ trương sáp nhập, mua lại ngân hàng khác và có thành lập các công ty con, ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank chỉ tăng quy mô về mở rộng mạng lưới, đang có đề án trình Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đồng thời tăng quy mô 2 ngân hàng con là Sacombank Lào và Sacombank Campuchia.
Sacombank không có kế hoạch sáp nhập thêm ngân hàng khác. Ngân hàng tập trung cho việc tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt, HĐQT nỗ lực đẩy mạnh chỉ trong vòng 5 năm là hoàn thành đề án tái cấu trúc, rút gắn được thời gian so với đề án được phê duyệt.
Còn tăng vốn điều lệ thì sau 5 năm xử lý được toàn bộ lãi dự thu mới có thể tăng vốn.
"Nếu sau 5 năm không tái cơ cấu được, tôi sẽ rời Sacombank. Nếu cổ đông không kiên nhẫn chờ đợi được thì có thể bán cổ phiếu để kiếm lời", ông Minh khẳng định.
Còn trong bối cảnh hiện nay, theo ông Minh, chưa thể kỳ vọng được cổ phiếu Sacombank. Bởi Ngân hàng đang nỗ lực đẩy xử lý nợ xấu, tái cơ cấu. Đến cuối năm 2018, Sacombank còn 8.000 tỷ đồng không sinh lời và cố gắng trong 3 - 5 năm tới mới có thể hoàn tất đề án tái cơ cấu và kỳ vọng cổ phiếu tăng.
Ông Minh cho biết, trước đây mỗi tuần ông đánh gofl 4 ngày, mỗi ngày 10 trận, nhưng sau khi tham gia Sacombank, ông chỉ đánh gofl 2 ngày, mỗi ngày chỉ có 2 trận. Mọi thời gian và nguồn lực đã tập trung hết vào để tái cơ cấu Sacombank.
Cổ đông bức xúc trước cách trả lời của Chủ tịch HĐQT
Tuy nhiên, một cổ đông cho rằng, giá cổ phiếu STB tăng trong thời gian qua là do xu hướng chung của thị trường, chứ không phải nhờ nỗ lực tái cơ cấu của HĐQT nhiệm kỳ mới.
Mặt khác, với các trả lời “không giữ được thì bán” của ông Dương Công Minh khiến cổ đồng bức xúc và cho rằng, vị Chủ tịch này đã coi thường cổ đông. Bởi ở vị trí Chủ tịch HĐQT một ngân hàng,ông không thể có cách trả lời với cổ đông như vậy được.
Trước bức xúc trên của cổ đông, ông Dương Công Minh cho rằng, có thể là cách trả lời của ông khiến nhiều nhà đầu tư không được hiểu rõ. Còn bản thân ông mong muốn cổ đông gắn bó với Ngân hàng.
Ông cũng là người tham gia vào Sacombank với mục đích hưởng cổ tức, không phải kinh doanh cổ phiếu. Vì thế, nếu cổ đông không kiên nhẫn chờ đợi được sau giai đoạn tái cấu trúc để hưởng lợi tức thì cũng đành chịu.
Ông Minh cho biết, năm 2018 hoặc 2018 Sacombank sẽ xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước cho chia một phần cổ tức từ lợi nhuận để lại
Thêm người của LienVietpostbank gia nhập Sacombank
Tại Đại hội, Sacombank trình cổ đông 15 tờ trình, trong đó có báo cáo hoạt động, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh 2018, trích thưởng khi vượt kế hoạch lợi nhuận, thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, tờ trình về sửa đổi điều lệ…
Đáng chú ý, vấn đề nhân sự cấp cao cũng được Ngân hàng đưa ra bàn bạc lần này. Ngân hàng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch HĐQT do ông Dũng từ nhiệm vì lý do cá nhân và đã được HĐQT chấp thuận trước đó.
Ngoài ra, Ngân hàng bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Người đầu tiên được đề cử vào HĐQT là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc ngân hàng. Bà Diễm sinh năm 1973, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Sacombank hồi tháng 7/2017.
Cổ đông bỏ phiếu thông qua các nội dung tại Đại hội.
Ngoài ra, một cái tên khá bất ngờ là ông Nguyễn Văn Huynh (sinh năm 1953) - người cũ của LienVietPostBank. Ông Nguyễn Văn Huynh vừa từ nhiệm HĐQT LienVietPostBank và Chủ tịch ngân hàng này là ông Nguyễn Đình Thắng từng nói, vì ông Huynh đã "cao tuổi, cần được nghỉ ngơi".
Tại LienVietPostBank, ông Nguyễn Văn Huynh là người đã gắn bó từ khi ngân hàng mới thành lập là năm 2008. Khi ấy, ông Huynh là cố vấn cao cấp cho ngân hàng giai đoạn 2008 - 2011, rồi sau đó là thành viên HĐQT từ 2011 - 2018.
Ngoài làm việc tại LienVietpostbank, ông Huynh còn là thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt, thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Liên Việt, Chủ tịch Công ty TNHH H.T.H và thành viên HĐQT Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Sài Gòn.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 ở mức 1.840 tỷ đồng
Năm 2018, Sacombank đặt kế hoạch nâng tổng tài sản lên 430.900 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2017. Nguồn vốn huy động đạt 399.100 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 255.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,9% và 13,1% so với năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%.
Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận này, Sacombank sẽ trình cổ đông mức thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2018 dự kiến là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất (tức khoảng 36,76 tỷ đồng).
Theo báo cáo được trình bày tại Đại hội, năm 2017, Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, tổng tài sản hợp nhất cuối năm đạt 368.469 tỷ đồng, tăng 11%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.492 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với năm trước, đạt 255% kế hoạch đặt ra. Các chỉ số sinh lời cũng được cải thiện đáng kể; ROE tăng từ 0,4% năm 2016 lên 5,2% năm 2017; ROA tăng từ 0,03% lên 0,34%.
Năm qua, Ngân hàng lãi sau thuế 1.181 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận, ngân hàng sẽ dành 5% lãi sau thuế để trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% dùng để trích lập quỹ dự phòng tài chính.
Ngoài ra, 181 tỷ đồng dùng để trích thưởng vượt kế hoạch theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2017; 202 tỷ đồng dùng để trích lập quỹ khen thưởng và ohúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, lũy kế lợi nhuận sau thuế còn giữ lại của ngân hàng là 1.657 tỷ đồng.