Dự kiến quý III/2020, KDC sẽ quay lại thị trường cốt lõi trước đây là bánh kẹo và mở rộng sang cả thị trường Snacking (món ăn vặt đóng gói) - quy mô thị trường khoảng 51.000 tỷ đồng, trung bình tăng trưởng 8-10%/năm.
Ông Nguyên cho biết, sẽ tiến hành sáp nhập KDF, TAC (dự kiến có ĐHĐCĐ bất thường vào háng 7/2020) vào KDC. Còn ở VOC, sau khi cổ đông Nhà nước thoái 36% vốn tại VOC thì KDC cũng sẽ tiếp tục làm thủ tục sáp nhập vào KDC để tạo sức mạnh về quản trị, logicstic, tài chính.
Về việc quay lại mảng bánh kẹo, ông Nguyên cho biết, trước đây, thị phần của KDC trong mảng này là dẫn đầu thị trường, khoảng 40%. Snacking có quy mô rất lớn nhưng với kinh nghiệm với bánh kẹo, KDC tự tin làm tốt và làm nhanh việc này. Hiện KDC đã chuẩn bị khá đầy đủ, nhóm sản phẩm cũng đã được nghiên cứu, kỹ thuật nâng cấp nên tự tin quay lại ngành này.
Đối với mảng dầu ăn, hiện KDC đang sở hữu cổ phần tại 3 công ty VOC, TAC và Golden Hope (liên doanh nước ngoài đã đổi tên thành Kido Nhà Bè). Với ngành dầu là ngành thiết yếu, từ 2020 doanh thu 7.000 tỷ đồng, năm 2025 là 10.000 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm với cổ đông về liên doanh mới ngành nước giải khát - kem KIDO-Vinamilk, ông Nguyên cho biết, công ty sẽ có các sản phẩm nước giải khát, kem, sữa với nhãn hiệu riêng VIBEV, trong đó ngành kem hướng đến phân khúc cao cấp. Năm đầu tiên, ước tính liên doanh sẽ có doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với riêng KDF, chiến lược trong năm 2020, trong phân khúc ngành hàng kem gồm 4 phân khúc phổ thông, trung cấp - đều có nhãn hiệu Merino với chiến lược dẫn đầu, còn phân khúc cận cao cấp và cao cấp - nhãn hiệu là Celano, chiến lược đẩy mạnh phân khúc này với chất lượng ngoại giá nội địa.
Chiến lược sản phẩm cốt lõi như từ sữa bò sữa có doanh thu, lợi nhuận cao, đẩy mạnh thêm phân khúc tráng miệng tại nhà và khu vực nông thôn. Các sản phẩm hương vị truyền thống, phù hợp khẩu vị từng vùng miền, và theo xu hướng mới của giới trẻ như kem trân châu đường đen, trà sữa...Với ngành hàng sữa chua, tập trung sữa chua đông lạnh.
Trong chiến lược hoạt động, KDF sẽ tiếp tục mở rộng khai thác ngành kèm thông qua việc đầu tư thêm tủ kem ở vùng sâu xa, vùng nông thôn. Với thị trường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường lân cận để có thể làm OEM qua đó tăng sản lượng Công ty. Còn với ngành sữa chua thì tạm rút sữa chua mát, còn đông lạnh thì mở rộng phân khúc, phục vụ từ trẻ em tới người lớn.
KDF cũng có kế hoạch chi trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông hiện hữu của Công ty. Cụ thể KDF sẽ sử dụng toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2019 (ngoài khoản cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 14%/mệnh giá đã thực hiện tạm ứng vào tháng 8/2019), ước tính tỷ lệ khoảng 30%/mệnh giá, tương ứng 3.000 đồng/cp trước khi thực hiện giao dịch hoán đổi.
Kế hoạch của công ty sau sáp nhập năm 2020 với doanh thu hợp nhất hơn 8.233,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này có sự gia tăng đột biến trong năm 2021 với doanh thu hợp nhất 13.522,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 657,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 64% và 161% so với năm 2020. Cổ tức dự kiến trong 2 năm là 16%/năm.
Trong đó, kế hoạch riêng cho KDF là 1.600 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,7% và 7,9% so với năm 2019.
Năm 2019, KDF đạt 1833 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng, tăng 488% so với 2018 và vượt kế hoạch 123%. Trong cơ cấu doanh thu, mảng kem đạt 1.274 tỷ đồng, chiếm 92% tổng doanh thu, sữa chua 109 tỷ đồng, gần 8% tổng doanh thu. LN gộp ngành kem đạt 757 tỷ đồng, biên LNG 59%, còn mảng sữa chua 53 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 49% tăng so với 2018 chỉ 30%.
Đại diện Ban lãnh đạo chia sẻ, dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng đến KDF, đảo lộn thói quen và nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt tê liệt các chuỗi cung ứng. Các kênh trọng điểm đều bị giảm doanh số trong quý 1 do các địa điểm vui chơi, trường học đóng cửa.
Theo đó, KDF đã chuyển dịch kênh phân phối thay vì để khách từ tìm sản phẩm thì đưa tới tận tay người tiêu dùng thông qua các cửa hàng trong các khu phố, giao hàng quy mô lớn để gỉam chi phí….
Tại Đại hội, tất cả các tờ trình đã được thông qua.