Cụ thể, đối với việc phát hành cho cổ đông hiện hữu được chia làm 2 phần, gồm thưởng tỷ lệ 3:2 cho cổ đông hiện hữu, số lượng phát hành dự kiến 86,4 triệu cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3:2, số lượng cổ phiếu phát hành gần 86,4 triệu cổ phiếu, giá chào bán dự kiến 14.000 đồng/CP.
Đối với ESOP, HSC dự kiến phát hành gần 6,5 triệu cổ phiếu, giá phát hành 14.000 đồng/CP, tỷ lệ phát hành 5%. Đối tượng phát hành là cán bộ quản lý Công ty. Cổ phiếu bị hạn thế chuyển nhượng, năm thứ nhất chuyển nhượng tối đa 40%, hết năm 2 tối đa 30%; hết năm 3 tối đa 30%.
Tổng nguồn vốn thu được từ chào bán và ESOP dự kiến 1.266 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn cho hoạt động ký quỹ 1.000 tỷ đồng, còn lại bổ sung cho hoạt động tự doanh.
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC chia sẻ, tính đến cuối quý I, trước khi chia cổ tức, vốn chủ sở hữu của Công ty gần 3.000 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công, thì vốn chủ sở hữu của HSC mới chỉ bằng khoảng phân nửa so với nguồn vốn của SSI.
Để phát triển sâu rộng trong hoạt động ngân hàng đầu tư, tiếp tục mô hình kinh doanh mà HSC đang giữ vị thế là môi giới và cho vay ký quỹ, thì việc tăng vốn là cần thiết.
Năm 2018, HSC đặt kế hoạch doanh thu dựa trên giả định giá trị giao dịch bình quân 8.000 tỷ đồng/ngày, tăng 60% so với giá trị giao dịch bình quân năm 2017.
Theo đó, HSC đặt kế hoạch doanh thu 2.110 tỷ đồng, tăng 52% và lợi nhuận sau thuế 818,7 tỷ đồng, tăng 48%, EPS 2018 khoảng 4.323 đồng. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) năm 2018 dự đoán 24,5%, cao hơn mức 21,4% năm 2017.
Cổ đông đặt câu hỏi về tình hình cho vay ký quỹ trên thị trường đang cao hay thấp và có rủi ro gì từ việc HSC tăng cho vay ký quỹ thông qua việc phát hành thêm tăng vốn trong năm 2018 hay không?
Ông Johan cho biết, số vốn HSC tăng lên qua việc phát hành thêm trong năm 2018 không chỉ dùng cho vay ký quỹ, mà còn phục vụ cho định hướng phát triển cho ngân hàng đầu tư.
Ngoài ra, việc cho vay ký quỹ HSC đang có nguồn vốn khá dồi dào. Cụ thể, Công ty đã phát hành trái phiếu trong năm 2017 là 800 tỷ đồng và mới đây phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu nữa.
Với nguồn vốn vay tổng cộng 2.000 tỷ đồng và 1.900 tỷ đồng vay ngân hàng, thì HSC không thiếu vốn. Tuy nhiên, yếu tố chú ý cho vay ký quỹ là dựa trên tỷ lệ an toàn vốn do UBCK yêu cầu, thì HSC không thể tăng hạn mức cho vay từng mã.
Đối với tình hình cho vay ký quỹ trên thị trường, ông Johan cho rằng, đúng là dư nợ tăng nhiều thời gian qua, nhưng tính thanh khoản trên thị trường cũng tăng cao, từ đầu năm đến nay tăng gấp đôi so với trung bình 2017. Trong bối cảnh như vậy, hoạt động đòn bẩy cũng tăng tương xứng, quan trọng là hoạt động quản trị rủi ro tại mỗi CTCK.
Cổ đông cũng đặt câu hỏi về tổng giá trị các thương vụ mà HSC đã ký và dự kiến thực hiện trong năm 2018.
Ông Johan cho biết, kế hoạch năm 2018 dựa trên kết quả kinh doanh 2017, kết quả quý I/2018 và các việc làm sẵn có. Trong lĩnh vực tư vấn tài chính DN, các thương vụ mà HSC đang tiến hành, có thương vụ đã ký, có thương vụ gần ký và có cái chưa ký được hợp đồng, nên chưa thể đưa ra con số tổng giá trị hợp đồng ký được.
Một trong những thương vụ lớn và HSC đã có hợp đồng là với Yeah 1 TV. Đây là công ty HSC đang tư vấn IPO. Dựa trên những kết quả sơ bộ, HSC kỳ vọng tỷ lệ thành công cao với giá trị thương vụ khoảng 400 triệu USD. Qua đó giúp HSC có khoản phí lớn.
ĐHCĐ HSC cũng thông qua tỷ lệ cổ tức đợt 2 năm 2017 là 15% bằng tiền mặt, dự kiến ngày đăng ký cuối cùng 18/5/2018, thanh toán dự kiến 8/6/2018.
Trước đó, ngày 24/1, HSC đã tạm ứng 6% bằng tiền. Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2017 là 21%, tăng so với mức 12% đã được nghị quyết ĐHCĐ 2017 thông qua.
Năm 2018, HSC cũng lên kế hoạch cổ tức 15% bằng tiền mặt.