Đại hội đồng cổ đông Hòa Bình (HBC): Ông Lê Viết Hải nhận lỗi trước cổ đông

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) tổ chức chiều 25/4, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty nhận lỗi trước cổ đông khi không hoàn thành được mục tiêu kinh doanh năm 2023.

Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 25/4/2024.

Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 25/4/2024.

Quý I ghi nhận doanh thu khả quan

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, thử thách nhất trong hành trình 36 năm phát triển của Tập đoàn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đối diện với tình trạng thiếu việc làm, phá sản, sự cạnh tranh khốc liệt, tình trạng bỏ giá thầu thấp hay sử dụng chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành hợp đồng.

Ông Hải nhận lỗi trước cổ đông khi không hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đề ra. Năm 2023, HBC đạt doanh thu 7.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1.115 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai HBC có kết quả kinh doanh thua lỗ.

"Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi không hoàn thành mục tiêu như kế hoạch đề ra. Tôi khẳng định xem Hòa Bình như đứa con ruột thịt, trong suốt 36 năm qua, tôi luôn cố gắng hết sức mình vận dụng mọi nguồn lực của cá nhân và gia đình làm mọi điều có thể để con thuyền vượt qua sóng gió, đồng thời cam kết bảo vệ quyền lợi cho cổ đông", ông Lê Viết Hải chia sẻ tại Đại hội.

Theo nhà sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, sóng gió 2023 của HBC tưởng chừng không vượt qua, nhưng như cánh diều ngược gió với sự đoàn kết của cán bộ công nhân viên, sự đồng hành của các đối tác, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, cổ đông, HBC vượt qua tình thế cùng cực ngàn cân treo sợi tóc.

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội, ông Hải thông tin, ngày 12/4/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI) - công ty con của HBC đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần và đến ngày 20/04/2024, đã chính thức nắm giữ 51% cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Xây dựng và Thương mại Keystone (Keystone DNC Inc) - doanh nghiệp có trụ sở tại Orange County, tiểu bang California (Mỹ), chuyên về xây dựng, thương mại, phát triển bất động sản.

Ngay sau khi ký hợp tác, Công ty Keypax JV ra đời, trở thành tổng thầu thi công cho dự án The Grove Apartments đầu tư bất động sản của Tập đoàn Garden Grove APTS với giá trị hợp đồng là 9,2 triệu USD và dự án The Rialto của Công ty TNHH Đầu tư Rialto Foothill với giá trị hợp đồng là 22 triệu USD. Tổng giá trị 2 hợp đồng là 31,2 triệu USD. Dự án The Grove Apartments đã chính thức khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025. Với dự án Rialto, Keystone dự kiến cũng sẽ khởi công vào đầu tháng 10 năm nay và dự kiến hoàn thành sau 18 tháng. Đây là bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài của Hòa Bình trong vai trò tổng thầu.

Kế hoạch triển khai dự án tại Mỹ của HBC chia sẻ tại Đại hội.

Kế hoạch triển khai dự án tại Mỹ của HBC chia sẻ tại Đại hội.

Trước đó, tháng 2/2024, Hòa Bình đã nhận được Thư dự định giao thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya đầu tư bởi Bộ Đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya - Vụ Nhà ở và Phát triển Đô thị. Dự kiến tháng 5/2024 tới đây, Hòa Bình sẽ chính thức ký kết hợp đồng thi công dự án đầu tiên trong tổng số 5 dự án nhà ở xã hội. Dự án đầu tiên này có quy mô 8 toà nhà chung cư với tổng cộng 2.144 căn hộ có diện tích từ 26 - 30 m2, tổng giá trị hợp đồng là 21,6 triệu USD, tương đương khoảng 548,22 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị hợp đồng từ thị trường nước ngoài mà Hòa Bình đạt được trong quý I/2024 dự kiến đạt 52,8 triệu USD, tương đương 1.343,5 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, Công ty cho biết, doanh thu hợp nhất đạt gần 1.651 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt gần 56,56 tỷ đồng.

Mục tiêu lãi 433 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ

ĐHCĐ HBC thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 8.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tập đoàn là 433 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 269 tỷ đồng.

Đại hội đã thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2023 và thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ mới năm 2024.

Cụ thể, Hòa Bình phát hành 200 triệu cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn, giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu và 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ đối với các đơn vị là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Mệnh giá cổ phiếu hoán đổi nợ là 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và thanh toán các khoản nợ hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong năm 2024 – 2025, chi tiết sẽ được thông báo sau khi nhận được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tổng giám đốc HBC Lê Văn Nam chia sẻ kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu HBC trong các năm.

Tổng giám đốc HBC Lê Văn Nam chia sẻ kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu HBC trong các năm.

Ông Hải cho biết, tới thời điểm diễn ra ĐHCĐ thường niên 2024, đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất đồng ý hoán đổi nợ bằng cổ phiếu HBC, đạt 821 tỷ đồng. Trong khi theo phương án phát hành đã được thông qua, chỉ có tối đa 100 cổ đông được tham gia hoán đổi nợ, tổng giá trị dự kiến phát hành không vượt quá 740 tỷ đồng.

Hòa Bình đánh giá, ngành bất động sản và du lịch đã khởi sắc trong năm 2024, các chủ đầu tư lớn và uy tín cũng đã tin tưởng Hòa Bình và tiếp tục mời Hòa Bình tham gia các dự án sắp triển khai trong thời gian tới. Với viễn cảnh khả quan như vậy, Hòa Bình cho rằng, đạt doanh thu với các dự án đấu thầu khoảng 2.800 tỷ đồng là khả thi. Hòa Bình sẽ tiếp tục kiên trì, nỗ lực để đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài.

Hòa Bình khẳng định mục tiêu khôi phục vị thế trong 3 năm tới, lấy lại vị trí số 1 của mình tại thị trường trong nước.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng dự kiến đến 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD. Để đạt được tăng trưởng như vậy nhất định HBC vươn ra biển lớn, có quy mô gấp 40 - 50 lần trong nước. Sau 12 năm miệt mài phân tích, nghiên cứu, HBC đã có kết quả tích cực ở thị trường Mỹ", ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Đoàn chủ tọa tại Đại hội đồng cổ đông HBC ngày 25/4.

Đoàn chủ tọa tại Đại hội đồng cổ đông HBC ngày 25/4.

Thảo luận tại Đại hội

Báo cáo tài chính của HBC, nguy cơ cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết có hay không?

Ông Lê Viết Hải: Cho đến nay, HBC vẫn đáp ứng các điều kiện để niêm yết, chúng tôi đã tham vấn các công ty chứng khoán, các công ty tư vấn về luật và được trả lời HBC đang đáp ứng các điều kiện niêm yết.

Tại sao có nghị quyết liên quan đến đưa tài sản thế chấp?

Ông Lê Viết Hải: Chúng tôi có khoản phí mượn tài sản thế chấp ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng. HBC là công ty xây dựng, việc vay vốn ngân hàng bằng uy tín doanh nghiệp là chính, thế chấp là khoản phải thu, tài sản thế chấp thường là 10% hạn mức tín dụng. Để vay vốn ngân hàng có một phần tài sản đảm bảo, chúng tôi phải sử dụng một phần tài sản đảm bảo của tập đoàn và một phần tài sản của các cá nhân khi khoản vay đảm bảo bằng nguồn thu bị thấp nên phải huy động thêm tài sản của cá nhân của công ty để làm tài sản thế chấp ngân hàng. Muốn thực hiện được điều này công ty phải có chính sách trả quyền lợi thỏa đáng cho cá nhân chia sẻ rủi ro với Tập đoàn.

Việc vay vốn không có tài sản thế chấp lãi suất tăng gấp đôi, gấp ba, nếu vay có tài sản thế chấp, lãi suất có thể 7-8%, không có thì 15-16% thậm chí cao hơn. Do đó, chúng tôi tìm giải pháp giảm lãi suất ngân hàng bằng tài sản thế chấp của thành viên công ty và gia đình của họ. Đây là giải pháp bất đắc dĩ trong giai đoạn tập đoàn khó khăn trong thu hồi nợ, phải huy động các nguồn lực của thành viên trong công ty, giảm bớt áp lực tài chính cho Tập đoàn, đảm bảo cân đối dòng tiền, trả nợ đúng hạn.

Hiện tại nhà thầu phụ đề nghị hoán đổi cổ phiếu ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, Hòa Bình có cách nào hỗ trợ nhà thầu phụ được không? Tại sao giá trên sàn 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư có giá 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu có khả năng thành công hay không?

Ông Lê Viết Hải: Tôi đã trao đổi với các nhà thầu phụ, nếu nhà thầu phụ đã chia sẻ khó khăn với Tập đoàn đến lúc cổ phiếu HBC về đến tài khoản nhà thầu phụ, thị giá HBC sẽ không như bây giờ. Giá trị thật của HBC, trong đó máy móc thiết bị đã khấu hao hết chúng tôi bán ra ghi vào lợi nhuận, các dự án dở dang triển khai sau khi đưa vào khai thác, bàn giao cho khách hàng sẽ được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, hiện nay các chi phí đó rất lớn mà chưa được ghi nhận. Các tài sản, dự án có giá trị thấp hơn giá thực tế rất nhiều sẽ dần được đưa vào.

Giá trị thực của HBC khác nhiều so với sổ sách kế toán, chúng tôi sẽ đưa dần vào báo cáo tài chính bằng nhiều cách, qua đó sẽ cải thiện giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu đưa về giá trị thực của nó cũng như kế hoạch kinh doanh của HBC được thực thi. Chúng tôi đang có nhiều dự án tiềm năng gồm cả ở thị trường Mỹ, Keneya.

Các nhà thầu phụ, nhà cung cấp đồng ý mua giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi trên sàn 7.000 - 8000 đồng vì họ đã dành tình cảm cho HBC, gắn bó với HBC qua nhiều năm hiểu văn hóa của HBC, thấy triển vọng của HBC. Họ tin tưởng sau khi HBC vượt qua khó khăn, giá cổ phiếu sẽ hồi phục. Đã có lúc giá HBC lên hơn 30.000 hồi đầu năm 2022.

Chúng tôi có những nhà đầu tư sẵn sàng làm hợp đồng hứa mua hứa bán với nhà thầu phụ khi cổ phiếu được giao dịch sẽ thực hiện các thủ tục mua bán, giải quyết tạm thời khó khăn nhà thầu phụ khi hoán đổi nợ. Tuy nhiên, chúng tôi hạn chế cách làm này bởi những nhà thầu phụ đã đồng ý hoán đổi nợ là có tài chính ổn định. Còn nhà thầu phụ quá khó khăn, chúng tôi sẽ tìm nhà đầu tư để làm thủ tục hứa mua, hứa bán.

Việc phát hành cổ phiếu 740 tỷ đồng để hoán đổi nợ cho 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đã chốt lại, ký hợp đồng xong bước đầu hoàn tất hồ sơ trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chúng tôi sẽ họp HĐQT thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ trong đó có Nghị quyết về thủ tục hoán đổi nợ bằng cổ phiếu cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Tôi khẳng định rủi ro trong phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ là không có, chúng tôi làm rất cẩn trọng với công ty tư vấn là Công ty Chứng khoán SSI, đảm bảo phát hành trước 30/6/2024, tăng vốn chủ sở hữu cho HBC.

Tỷ lệ sinh lợi của cổ đông hiện tại được gì, tăng vốn thì cổ phiếu pha loãng?

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC: Năm 2022, năm 2023 bị lỗ, ROE âm, việc hoán đổi nợ sẽ tốt. Trong 8 giải pháp tôi đề xuất tăng vốn chủ sở hữu chia ra 4 nhóm gồm nhóm chuyển nhượng 400 tỷ đồng thiết bị đã khấu hao hết, chuyển nhượng 2 dự án bất động sản thu về tổng cộng 110 tỷ đồng và 233 tỷ đồng, triển khai thi công 2 dự án bất động sản ghi nhận được lợi nhuận tốt giúp tăng vốn chủ sở hữu cho Tập đoàn, không tăng lượng cổ phiếu mà tăng lợi nhuận sẽ tăng ROE lên.

Nhóm giải pháp hoán đổi nợ bằng cổ phiếu 740 tỷ đồng, sẽ trả được nợ 740 tỷ đồng và tăng vốn chủ sở hữu. Nếu phát hành được giá 10.000 giá trị sổ sách tăng lên.

Nhóm giải pháp thứ ba, phát hành thêm cổ phiếu để sở hữu dự án, triển khai pháp lý dự án, xây dựng và bán ra, vừa tăng tài sản và tăng lợi nhuận. Tăng cổ phiếu pha loãng, nhưng tăng tài sản lên, cơ hội lớn trong tương lai.

Nhóm giải pháp phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, dự kiến giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tăng giá trị lên, quy mô vốn tăng, cổ đông hưởng lợi.

Tin bài liên quan