Tại ĐHCĐ sáng ngày 19/4, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc quý I/2018, dư nợ tín dụng ACB 14.500 tỷ đồng; huy động tăng 15.700 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1.491 tỷ đồng; nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Năm 2018, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng, theo lãnh đạo ACB, khả năng có thể đạt 6.000 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được trong năm 2017, ACB chia cổ tức 2017 là 15% bằng cổ phiếu và dự kiến cổ tức 2018 là 30%, nhằm bù đắp cho cổ đông sau những thiệt thời ở các năm trước.
ĐHCĐ ACB lần này cũng bầu lại HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ACB bầu HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 với 8 ứng viên là ông Trần Hùng Huy; ông Nguyễn Thành Long; ông Dominic Scriven; bà Đinh Thị Hoa; bà Đặng Thu Thuỷ; ông Đàm Văn Tuấn; ông Hiệp Văn Võ (thành viên HĐQT độc lập) và ông Huang Yuan Chiang (thành viên HĐQT độc lập).
Như vậy, so với danh sách ứng viên đề cử và ứng cử công bố trước đây gồm 11 người (trong đó ACB đề cử 10 người và có một ứng viên được nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn đề cử), thì Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Hoà, Phó tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Duy Hưng - ứng viên do nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên đề cử.
Vì thế, nhóm cổ đông đề cử ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng phản đối kịch liệt và yêu cầu bầu tất cả 11 ứng viên vào nhiệm kỳ mới. Thậm chí, nhóm cổ đông này còn nghi ngờ ACB đã không gửi đủ danh sách 11 người cho Ngân hàng Nhà nước và không có tên của ông Nguyễn Duy Hưng. Tuy nhiên, phía Ngân hàng ACB khẳng định, đã gửi đầy đủ danh sách lên Ngân hàng Nhà nước.
Nêu ý kiến tại ĐHCĐ ACB, bà Đặng Ngọc Lan, cổ đông ACB (vợ bầu Kiên) cho biết: "Chúng tôi và gia đình là những người đã tham gia đầu tư vào ACB từ những ngày đầu, nên mọi đóng góp cũng muốn xây dựng ACB. Liên quan đến ứng cử viên là ông Nguyễn Duy Hưng - đại diện cho nhóm đề cử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn HĐQT có sự nỗ lực làm sao để 3 ứng viên trong danh sách ứng cử thành viên HĐQT chưa được chấp thuận sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét trong thời gian tới".
Sau một thời gian nỗ lực để vượt qua khó khăn, ACB đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng khi năm 2016 đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng 2017 đã đạt hơn 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, ACB cũng đã từng bước xử lý các tồn đọng từ sau cuộc sự cố vào năm 2012 và xử lý nợ xấu.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào để ACB bắt kịp các đối tác về lợi nhuận, ông Đỗ Minh Toàn cho rằng, lợi nhuận đạt được trong năm 2017 là sự nỗ lực lớn.
Với kết quả đạt được trong năm qua, ACB đã có điều kiện để trích lập đủ dự phòng 100%. Sau trích dự phòng, lợi nhuận còn lại hơn 2.600 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận 2018 là trên 5.660 tỷ đồng. Kết quả 2018 là nền tảng vững chắc để ACB phát triển trong các năm tiếp theo.
Cổ đông mã số 2903 có thắc mắc về MIN của ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho hay, NIM của ACB tăng lên trong những năm qua. Để cải thiện được NIM thì phải đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Tuy nhiên, để đẩy mạnh được bán lẻ cần phải kiểm soát được rủi ro nợ xấu.
Mặt khác, để cải thiện NIM thì công tác thu hồi nợ xấu phải tốt; cân bằng được huy động và cho vay. Bởi hiện nay tiền thừa trong ngân hàng được đầu tư trên liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu chính phủ. Thế nhưng, hiện nay lãi suất liên ngân hàng qua đêm hoặc 1 tháng chỉ 3%; còn lãi suất trái phiếu chỉnh phủ thấp.
Do đó, nếu huy động được mà không thể đẩy mạnh cho vay cũng rất khó khăn cho ngân hàng. Đó cũng chính là bài toán khó cho Ban điều hành ACB trong năm nay. Vì thế, với NIM 3,2% so với 2017 là một nỗ lực cố gắng của Ban điều hành để có khả năng sinh lời, đáp ứng được mức cổ tức 30% dự kiến chia cho cổ đông.
Đồng thời, trong suốt 5 năm qua, ACB tập trung đẩy mạnh xử lý các tồn động nên chưa đủ nguồn lực để đón nhận các cơ hội đầu tư. Do đó, kể từ năm 2018, ACB sẽ tập trung hơn vào việc tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, ACB đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ…đồng thời tiết giảm chi phí và quản lý tốt chi phí.
Giải thích thắc mắc của cổ đông về việc thành lập Quỹ công nghệ, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, ACB thành lập quỹ công nghệ, vì công nghệ luôn là xu hướng trong phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là với tài chính thì công nghệ luôn là yếu tố quan trọng. Do đó, để có thể cạnh tranh được trên lĩnh vực tài chính, ACB đã có kế hoạch thành lập Quỹ công nghệ, với kinh phí dự kiến 500 tỷ đồng và tùy thuộc vào kết quả kinh doanh.
Đối với cổ phiếu quỹ, theo ông Huy, HĐQT sẽ xem xét thời điểm thích hợp nhất để bán cổ phiếu quỹ nhằm tăng lợi nhuận cho Ngân hàng. ACB sẽ có sự tính toán kỹ lưỡng để đem lại lợi nhuận tốt nhất cho ngân hàng, nhưng Ngân hàng cũng không muốn bán cổ phiếu Quỹ sớm.
ĐHCĐ ACB đã thông qua các vấn đề trình tại đại hội.