Cổ đông thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT
Một cổ đông có ý kiến về việc chia cổ tức năm 2014 nên cao hơn năm 2013 ở mức 9,3%.
Về câu chuyện chia cổ tức, đích thân Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã chia sẻ, năm 2013, kinh tế khó khăn, nhưng ngân hàng đã nỗ lực được chia cổ tức được 8,5%. Đây là mức không cao, không thấp nếu thang điểm 10 thì khoảng được 6,5 điểm. Tuy nhiên, yêu cầu của cổ đông là chính đáng khi nâng cổ tức lên, nhưng dự báo CPI xoay quanh 5%, nên nhiều khả năng lãi suất sẽ còn giảm. Khi hạ, phần lớn tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giữa huy động và cho vay giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng phải thực hiện Thông tư 02 nên cần để trích lập dự phòng rủi ro.
"Tuy nhiên, tôi đồng ý ở mức cổ tức gia tăng vào khoảng 10%. Điều này cũng là đúng ý ngay cả trong ban lãnh đạo. Nếu các cổ đông đồng ý, mức cổ tức năm 2014 sẽ không dưới 9%", ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
10h20: Sau khi trình ĐHCĐ về việc từ nhiệm HĐQT BIDV của ông Nguyễn Trung Hiếu nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm, bầu bổ sung bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc BIDV vào HĐQT BIDV nhiệm kỷ 2012-2017, Đại hội bước vào phần hỏi và đáp.
Một cổ đông hỏi, việc áp dụng Thông tư 02, Thông tư 09 có làm tăng tỷ lệ nợ xấu của BIDV?
Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, ngay từ khi có Thông tư 02, BIDV đã xác định thực hiện bởi Thông tư 02 theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế nên ngân hàng đã triển khai rà soát các danh mục, tích cực xử lý rủi ro… Về cơ bản, BIDV thực hiện được Thông tư 02 mà không ảnh hưởng đến hoạt động và do xác định triển khai ngay từ đầu nên vẫn đảm bảo nợ xấu dưới mức 3%.
Về việc bán nợ cho VAMC, ông Tú cho biết, năm 2013, BIDV đã bán 1.500 tỷ đồng, năm 2014 sẽ tủy theo danh mục rà soát, dự kiến bán 2.000 đến 2.500 tỷ đồng nợ xấu.
Cổ đông hỏi BIDV có tham gia vào việc mua bán, sáp nhập?
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, số lượng ngân hàng Việt Nam chỉ nên khoảng từ 16-18 sau khi kết thúc quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên, đối với việc BIDV có tham gia hay không quá trình này thì cần nhìn lại 2 vấn đề:
Thứ nhất, trong Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước Chính phủ đã nhấn mạnh việc các tập đoàn nhà nước sẽ thoái vốn nên có khoảng 18 ngân hàng có vốn sở hữu của tập đoàn, công ty nhà nước sẽ thoái vốn;
Thứ hai, tiếp tục Đề án tái cơ cấu của NHNN và tiếp tục sắp xếp lại các TCTD, nên là một định chế tài chính lớn, BIDV luôn chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Do đó, BIDV hiện tại chưa có ý kiến gì về việc này, chỉ khi có gợi ý hoặc trao đổi của cơ quan quản lý trên cơ sở xem xét đánh giá việc sáp nhập, hợp nhất. Vì BIDV là ngân hàng do Nhà nước sở hữu chi phối, nên phải đảm bảo tuân thủ hoạt động kinh doanh, do đó việc hợp nhất, sáp nhập không làm tổn hại quá mức đến hoạt động của BIDV…
10h00: Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng công bố kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của BIDV trên cơ sở: nhà đầu tư nước ngoài phải hỗ trợ BIDV ít nhất là các lĩnh vực sau:
1. Mô hình quản trị theo thông lệ tốt.
2. Phát triển sản phẩm dịch vụ.
3. Quản lý rủi ro.
4. Công nghệ thông tin và dịch vụ ngân hàng điện tử.
5. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, số vốn thu được từ đợt bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh của BIDV.
Theo đó, trình Đại hội thông qua nội dung phát hành riêng lẻ cho 1 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc 1 nhà đầu tư tài chính được lựa chọn. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước. Mức giá bán theo phương thức thỏa thuận và tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ BIDV sau khi có cổ đông nước ngoài.
Ông Trần Phương trình bày kế hoạch bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược
Ngân sách hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát thuộc ngân sách hoạt động chung của BIDV xác định trong kế hoạch kinh doanh: chi trả theo phát sinh thực tế theo đúng Quy chế tài chính, chế độ thu chi tài chính của BIDV.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng trình ĐHCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2014 như sau: số vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2013 là 28.112 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến đến 31/12/2014 là 33.570 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phiếu đăng ký phát hành thêm trên số vốn cổ phần hiện hữu là 19,42%.
Mục đích tăng vốn là để nâng cao năng lực hoạt động và đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của BIDV; đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về đảm bảo an toàn hoạt động.
Nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2013 (chia cổ tức bằng cổ phiếu 6,4%): 1.799 tỷ đồng. Từ việc chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu (1,57%): 470 tỷ đồng. Từ việc chào bán cổ phiếu cho Nhà đầu tư tài chính (10,5%): 3.189 tỷ đồng.
Ông Trần Bắc Hà (ngồi giữa) và ông Phan Đức Tú (bên phải)
9h35: Ông Trần Văn Bé, Trưởng ban Kiểm soát cho biết kết quả thẩm định BCTC hợp nhất năm 2013 như sau: tổng tài sản 548.386 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 32.040 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 5.290 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 1.239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.051 tỷ đồng.
9h20: Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ kết quả kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014.
Cụ thể, tính đến 31/12/2013, nguồn vốn huy động đạt 416.726 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 391.782 tỷ đồng. BIDV tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nên số dư trung bình tốt nên tính đến cuối năm, lợi nhuận trước thuế đạt 5.290 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,37%.
Đặc biệt, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, có hiệu quả thể hiện qua việc dòng vốn tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, cho vay nông nghiệp-nông thôn tăng 32,6%, cho vay DN vừa và nhỏ tăng 24,8%, tài trợ xuất khẩu tăng 21%, cho vay DN ứng dụng công nghệ cao có mức tăng trưởng khá 25,5%. Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng năm 2013 lần lượt 0,78% và 13,8%. Tỷ lệ chi trả cổ tức 8-9%.
Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV
Năm 2014, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bước vào giai đoạn ổn định hơn song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng khoảng 5,5-6%/năm cùng với sự gia tăng của thu nhập người dân...
Ban lãnh đạo BIDV đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 như sau: nguồn vốn huy động tăng trưởng 13%; Dư nợ tín dụng bao gồm dư nợ cho vay các tổ chức, cá nhân, đầu tư trái phiếu DN và cho thuê tài chính ngoại ngành tăng trưởng 13%, phấn đấu đạt 16% trên cơ sở chấp thuận của NHNN. Lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, ROA 0,79%, ROE 13,8% tỷ lệ chi trả cổ tức 8-9%..
9h00: Ông Lê Đào Nguyên, Phó Tổng giám đốc BIDV trình bày vắn tắt Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT 2013 và trọng tâm hoạt động 2014.
Báo cáo kết quả kinh doanh:
Theo đó, tổng tài sản BIDV đạt 548.386 tỷ đồng, tăng 13,1% tương đương với 63.601 tỷ đồng so với đầu năm. Với tốc độ tăng trưởng này, BIDV tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP có quy mô tài sản dẫn đầu thị trường.
Đến 31/12/2013, nguồn vốn đạt 416.726 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với năm 2012 (mục tiêu theo Nghị quyết ĐHCĐ là 13%). Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay các tổ chức và cá nhân, cho thuê tài chính ngoại ngành, đầu tư trái phiếu DN) đạt 391.782 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% (so với mục tiêu của Nghị quyết ĐHCĐ là 16,5%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2013 ở mức 2,37%
Lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 5.290 tỷ đồng, hoàn thành 112% kế hoạch ĐHCĐ. Các chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ an toàn hoạt động về cơ bản đều đáp ứng mục tiêu kế hoạch: ROA, ROE lần lượt đạt 0,78% và 13,8% (mục tiêu theo Nghị quyết là 0,7% và 12%), hệ số CAR đảm bảo ở mức 10% (cao hơn yêu cầu của NHNN là 9%.
Hoạt động kinh doanh của khối công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2012. Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV lợi nhuận hợp nhất trước thues đạt 125,6 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2012; Công ty cổ phần chứng khoán BSC lợi nhuận trước thuế đạt 15,1 tỷ đồng, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu…
HĐQT BIDV xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2014 như sau:
1. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh hoàn thiện thể chế hoạt động của BIDV.
2. BIDV tập trung đẩy mạnh triển khai phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 gắn với kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư giai đoạn 2013-2015. Bên cạnh đó, sẵn sang tham gia thực hiện tái cơ cấu TCTD khác theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.
3. Tăng cường năng lực tài chính bằng việc thực hiện các giải pháp tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
4. Tiếp tục thực hiện cơ cấu tài sản theo hướng tăng tỷ trọng tài sản có hệ số rủi ro thấp, tối đa giá trị tài sản đảm bảo đối với các khoản cho vay phát sinh mới, đặc biệt là các khoản vay bất động sản.
5. Điều hành tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm.
6. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phấn đấu trích đủ dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.
7. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch lợi nhuận trên cơ sở cải thiện thu ròng từ lãi, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ và phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ.
8h50: Ông Nguyễn Đức Nghị, Trưởng ban Kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ biểu quyết.
8h45: Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV thông qua chương trình nghị sự.
8h40: Chỉ định Ban thư ký Đại hội và thông qua Ban kiểm phiếu, thông qua thể thức biểu quyết.
8h35: Giới thiệu và thông qua thành phần Ban Chủ tọa gồm có 5 người với ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV được bầu làm Chủ tọa
8h30: ĐHCĐ bắt đầu khai mạc với phần giới thiệu thành phần tham dự và Ban kiểm tra tư cách cổ đông. Báo cáo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông tham dự Đại hội của ông, Bùi Minh Khải, Trưởng Ban kiểm tra tư cách cổ đông.