Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group

Đại hội đồng cổ đông 3 trong 1 của Masan: Một mô hình bán lẻ mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam - Point of Life

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vẫn là màn trình diễn thuyết phục của các lãnh đạo, vẫn là tiếng vỗ tay của các cổ đông,… năm nay, đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và 2 thành viên gồm Masan Consumer (UpCom: MCH) và Masan MEATLife (UpCom: MML) chỉ có một điểm khác là được tổ chức tại Sapa thay vì TP.HCM như mọi năm, và đúng vào dịp kỷ niệm thành lập 25 năm thành lập của Tập đoàn.

Khách sạn MGallery được Mssan chọn là điểm tổ chức đại hội năm nay theo chủ đề “Cùng đến nóc nhà Đông Dương”, và buổi gala sinh nhật 25 năm của mình.

MGallery đơn giản là khách sạng sang trọng và thiết kế đặc biệt nhất tại Sapa, được xây dựng bởi Sungroup – tập đoàn có nét khá tương đồng với Masan với những lãnh đạo khởi nghiệp tại Đông Âu (1998).

3 đại hội cùng được tổ chức tại Hội trường tầng 10 khách sạn MGallery, diễn ra liên tục và theo lịch trình sẽ kết thúc vào lúc 14h cùng ngày. Cổ đông của mỗi công ty được mời tham dự cả chùm sự kiện này, và cũng như năm trước, kênh youtube của MasanGroup sẽ phát live để cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng quan tâm có thể theo dõi trực tuyến. Ngoài ra, đại hội cổ đông năm nay tiếp tục là đại hội "không giấy", mọi tài liệu đại hội và phần biểu quyết đều trên bản điện tử.

Hội trường không quá lớn và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group có lời xin lỗi nếu không gian hơi nhỏ hẹp, nhưng theo quan sát thì khán phòng đủ để cổ đông, quan khách và báo giới tham dự.

Masan vẫn là tập đoàn có độ pha loãng cổ phiếu thấp, cổ đông của Tập đoàn Masan tham dự đại hội theo thông báo của Ban tổ chức là 50, nhưng chiếm tới 81,5% cổ phần có quyền biểu quyết. 2 công ty thành viên cũng có số lượng cổ đông không lớn hơn nhiều tham dự, nhưng tỷ lệ gần tuyệt đối đảm bảo để đại hội diễn ra.

Địa điểm tổ chức đại hội có khác nhưng thông điệp với cổ đông của lãnh đạo Masan cùng 2 công ty thành viên vẫn chung một phong thái: Hướng tới tương lai và khát khao chinh phục các mục tiêu mới. Năm nay thông điệp khá rõ đó là chinh phục đỉnh cao và vươn ra thế giới.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ về tầm nhìn của Masan: “Cách đây đúng 25 năm, Masan khởi đầu hành trình của mình với niềm tin rằng “Phụng sự người tiêu dùng” là cách tốt nhất để thành công trong kinh doanh. Công nghệ và các phát kiến sáng tạo là động lực cho sự tăng trưởng đột phá và giá trị gia tăng vượt trội. Cùng với đó, chúng tôi tự hào về giá trị Việt và khao khát được trở thành một phần của niềm tự hào Việt Nam.

Việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng lên mức gần 25%. Kế hoạch 5 năm tới của Masan là xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng và tạo nên chuỗi giá trị to lớn. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu; nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10%; đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.”

Ban lãnh đạo Tập đoàn trình bày kế hoạch phát triển mang tính chuyển đổi, cũng như định hướng thực thi giai đoạn 2021 – 2025. Giai đoạn then chốt sau 25 năm để tiếp tục mở ra những chương mới trên hành trình “Phụng sự người tiêu dùng”.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan đã chia sẻ lộ trình chiến lược xây dựng nền tảng Point of Life (POL), góp phần gia tăng lợi ích cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với việc hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O) giữa bán lẻ hiện đại và các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ tài chính trên khắp Việt Nam, Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một” (one-stop shop), đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Theo ông Danny Le, Masan đang nghiên cứu để phát triển mô hình bán lẻ nhượng quyền của CrownX, khắc phục mô hình bán lẻ phân mảnh hiện nay, xây dựng chuỗi cung ứng mới thông qua một nền tảng logistic cho tất cả.

Mô hình mới đang thử nghiệm tại TP. HCM với kết quả ấn tượng khi đáp ứng tỷ lệ đủ hàng (96-97%) thời điểm 7 tuần đầu 20221 trước Tết, thời gian giao hàng giảm dưới 2 ngày thay vì 6-7 ngày, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh... Hiện Masan đang mở rộng thử nghiệm tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Điểm nhấn mà ông Danny Le nhấn mạnh đó là ứng dụng công nghệ trong phát triển mô hình bán lẻ mới. Thương mại điện tử là mấu chốt, hiện các nền tảng thương mại điện tử chưa phân phân phối các hóa nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính, Masan sẽ thực hiện điều này thông qua sản phẩm của mình và hợp tác độc quyền với Techcombank.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần The CrownX chia sẻ về tầm nhìn 2021 – 2025. The CrownX sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt.

Vì vậy, The CrownX được coi là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life” mà Masan đang xây dựng.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần The CrownX

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần The CrownX

Cũng theo ông Thắng, The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết, 10% doanh thu đến từ kênh online.

Để đạt được KPIs đó, theo ông Thắng, nhu cầu của người tiêu dùng không dừng lại, sau khi thỏa mãn số lượng sẽ là yêu cầu về chất lượng, giúp các nhà sản xuất luôn có cơ hội bao gồm cả Masan.

Đơn giá mặt hàng FMCG liên tục tăng 2,5-3% mỗi năm nhờ nhu cầu cao cấp hóa trong ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi; với đồ uống 3 nhóm sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất là nước uống thể thao (14%), nước tăng tăng lực (9%) và nước đóng chai (13%) nhờ cú hích cho sức khỏe và năng lượng do yêu cầu về thể dục thể thao phát triển; riêng với ngành chăm sóc cá nhân và gia đình hiện không có sản phẩm chất lượng cao với giá hợp lý, và đây là cơ hội....

Masan Cosumer đã tập trung vào 3 yêu cầu: (1) Tập trung vào xây dựng thương hiệu, (2) Sản phẩm đột phá, (3) Phủ hàng khắp mọi nơi cả kênh GT và MT. Hiện Masan Consumer có 3 thương hiệu Chin-Su, Nam Ngư, Omachi nằm trong top 5 công ty thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó, Chin-Su sở hữu chỉ số giá trị thương hiệu cao vượt trội và khẳng định vị trí tiên phong vươn tầm cạnh tranh thế giới.

Dây chuyền chề biến thịt mát MEATDeli

Dây chuyền chề biến thịt mát MEATDeli

Với mô hình “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm”, The CrownX và Point of Life được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực để đáp ứng những nhu cầu lớn của người tiêu dùng một cách trọn vẹn nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, mua sắm nhu yếu phẩm đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng” với giá rẻ hơn từ 5% - 10% so với hiện tại.

Năm 2020, Masan đã thành lập Công ty Cổ phần The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp hàng đầu, nắm giữ lợi ích của Masan tại MasanConsumerHoldings (MCH) và VinCommerce (VCM). Trong đó, MCH là một trong những công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu lớn nhất Việt Nam, tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển sản phẩm mới. VCM là hệ thống bán lẻ hiện đại có quy mô toàn quốc, dẫn đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam. Ngoài ra, việc mua lại VCM đã mang lại sức mạnh hiệp lực đáng kể với Masan MEATLife (MML). Các sản phẩm MEATDeli hiện đã có mặt tại hơn 1.200 cửa hàng VinMart+.

Các sản phẩm chất lượng của nhà sản xuất, người nông dân được phân phối rộng khắp, cắt giảm chi phí trung gian, nhanh chóng đến tay người tiêu dùng. Nhà bán lẻ được liên kết, hỗ trợ, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019, lợi nhuận thuần phân bổ cho đạt 1.234 tỷ đồng. MCH đánh dấu cột mốc quan trọng: doanh thu thuần lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2020, doanh thu thuần và EBITDA tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019. Doanh thu thuần năm 2020 của MML 16.119 tỷ đồng tăng 16,8% so với năm 2019, biên EBITDA đạt mức 11.7%.

Đối với kế hoạch tài chính năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 19% đến 32% so với năm 2020), Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng (tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020). Biên EBITDA và biên NPAT được kỳ vọng lần lượt đạt mức từ 15-20% từ 3-5% nhờ vào biên EBITDA dương của VCM và cải thiện biên EBITDA của mảng kinh doanh thịt MML trong năm 2021.

Kết thúc, Đại hội bỏ phiếu thông qua các tờ trình và phương án không chia cổ tức 2020.

Trong phần hỏi đáp với cổ đông, ông Danny Le chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển tiêu dùng bán lẻ, không chỉ là tăng biên lợi nhuận mà phải tạo ra giá trị cho khách hàng với việc kiến tạo ra nền tảng mới.

Trả lời về mối quan hệ giữa Masan và Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang nói về chiến lược "khách hàng là trọng tâm", ngoài các sản phẩm tiêu dùng thì dịch vụ tài chính là cũng là dịch vụ thiết yếu, thực tế ở nông thôn vẫn còn đang thiếu dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu. Việt Nam là nước ít ỏi trên thế giới mà ngân hàng phải huy động tiền với lãi suất cao, nguyên nhân là tiền mặt trong dân quá lớn, ngân hàng phải trả giá cao để "mua được" lượng tiền tệ trong dân. Ngân hàng Nhà nước phải in tiền mặt lớn để đáp ứng yêu cầu luân chuyển tiền mặt.

Việc phục vụ các nhu cầu đa dạng từ hàng hóa, dịch vụ là hướng tiếp cận phù hợp của Masan và Techcombank.

Trả lời việc chuyển đổi của Vinmart bao gồm cả việc đổi tên thành Winmart như từng giới thiệu, ông Trương Công Thắng, hết năm nay Masan sẽ không sử dụng tiếp tục thương hiệu Vinmart như hợp đồng chuyển nhượng với Vingroup. Do vậy, Masan sẽ phải đổi tên khác, nhưng cách làm của Masan là đổi tên nhưng phải đổi cả cách thức kinh doanh để nâng cao hiệu quả của hệ thống Vincommerce.

Tin bài liên quan