Mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo SDH và nhóm cổ đông lớn vẫn tiếp tục căng thẳng

Mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo SDH và nhóm cổ đông lớn vẫn tiếp tục căng thẳng

Đại hội cổ đông SDH: Nhóm cổ đông lớn bị tước quyền tham dự

(ĐTCK) Ngay trước giờ khai mạc Đại hội cổ đông thường niên lần 2 vào ngày 17/8/2017, nhóm cổ đông lớn nắm 36,32% cổ phần CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) với đại diện ủy quyền là Công ty Chứng khoán APEC bất ngờ bị tước quyền tham dự Đại hội.

Thực tế, mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo SDH và nhóm cổ đông lớn đã nổ ra từ cách đây 2 tháng.

Đầu tháng 6/2017, nhóm cổ đông lớn sở hữu 36,32% tổng số cổ phần trong thời gian liên tục 6 tháng do Công ty Chứng khoán APEC đại diện đã đứng ra triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Đại hội thông qua tờ trình miễn nhiệm Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát đương nhiệm, bầu ra Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát mới. Kết quả cuộc họp này đã không được công nhận.

Điều này đồng nghĩa với việc để bảo vệ quyền lợi, nhóm cổ đông lớn chỉ còn cách lên tiếng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Ngày 17/8/2017, SDH tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 ngay tại trụ sở Công ty số 493, Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (sau lần triệu tập thứ nhất vào ngày 19/7/2017 không thành do không đủ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự theo quy định). Từ sáng sớm, Công ty cắt cử một số bảo vệ đứng chặn lối đi, kiểm tra gắt gao người tham dự.

Tổng số cổ đông được mời tham dự Đại hội là 1.297 cổ đông, sở hữu 20.539.500 cổ phần. Số cổ đông và cổ đông được ủy quyền đăng ký tham dự là 11 người, đại diện cho 7.218.493 cổ phần, chiếm 35,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại diện nhóm cổ đông lớn 36,32% cổ phần – Công ty Chứng khoán APEC – đã cử người đến tham dự Đại hội. Tuy nhiên, khi làm thủ tục đăng ký, Ban Kiểm tra tư cách cổ đông đã thông báo APEC không được tham dự. SDH cho biết, mẫu ủy quyền đại diện của APEC không hợp lệ.

Bức xúc trước sự cấm cản của lãnh đạo SDH, đại diện nhóm cổ đông lớn tranh cãi gay gắt, nhưng không được chấp thuận. Đại diện APEC buộc phải tham dự họp Đại hội đồng cổ đông bằng ủy quyền của cổ đông cá nhân.

Do không chấp nhận tư cách của đại diện nhóm cổ đông lớn, ông Vũ Văn Bẩy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã quyết định cắt bỏ hoàn toàn nội dung bầu bổ sung Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát trong chương trình Đại hội theo kiến nghị của cổ đông lớn gửi tới trước Đại hội.

Trước đó, Hội đồng quản trị SDH đã thông báo về việc các ông Lưu Tuấn Hùng, Đặng Văn Thăng, Trần Đại Tùng từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị Công ty trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông lần 1.

Vì vậy, trước khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần 2 diễn ra, ngày 19/7/2017, đại diện nhóm cổ đông lớn APEC đã gửi công văn đến SDH đề nghị bổ sung vào chương trình họp một số nội dung liên quan vấn đề cơ cấu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát. Đáng nói, những nội dung này từng được SDH đồng ý đưa vào chương trình cuộc họp.

Theo tài liệu do APEC cung cấp, ngày 9/3/2017, nhóm cổ đông lớn gồm Quỹ Lucerne Enterprise, Asean Deep Value và ông David Peter O’Neil (sở hữu 7.460.500 cổ phần, tương đương tỷ lệ 36,32%) đã ủy quyền bằng văn bản cho APEC.

Các nội dung ủy quyền gồm: quyền được tham dự và phát biểu trong các đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp…; xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin liên quan đến bản thân trong danh sách cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát SDH… Văn bản ủy quyền đồng thời được gửi cho SDH. Ngày 17/8/2017, APEC soạn thảo giấy giới thiệu cử 3 cán bộ Công ty tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông SDH.

Hiện APEC đã gửi đơn thư kiến nghị đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tố cáo hành vi cản trở cổ đông, phản đối Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của SDH. Tranh chấp giữa cổ đông và Ban lãnh đạo SDH vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, theo Điều 564, Bộ luật Dân sự 2015, việc pháp nhân được ủy quyền ủy quyền lại cho người thứ ba là có thể, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Đó là việc ủy quyền phải được bên ủy quyền (ban đầu) đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phù hợp với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu. Phạm vi ủy quyền lại không vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Thông thường, người đại diện theo pháp luật sẽ trực tiếp thực hiện công việc được ủy quyền. Trong trường hợp không trực tiếp thực hiện, đại diện theo pháp luật phải ra quyết định chỉ định người khác thay mặt Công ty thực hiện việc ủy quyền.

Quyết định đó phải đảm bảo đầy đủ về nội dung ủy quyền, trình tự thủ tục của việc ban hành quyết định ở mức cao nhất tránh việc thực hiện ủy quyền sai ý chí hoặc nội dung của bên ủy quyền có thể dẫn đến rủi ro cho người ủy quyền và doanh nghiệp thực hiện việc ủy quyền.

Tin bài liên quan