Chủ đề nóng tại nhiều đại hội
Thị trường chứng khoán tuần qua có nhiều phiên giảm điểm, song cổ phiếu PGB (của Ngân hàng PGBank) ghi nhận mức tăng gần 20%. So với 1 tháng trước, thị giá cổ phiếu này đã tăng tới 78%.
Đà tăng ấn tượng của PGB được hỗ trợ bởi thông tin M&A. Ngày 31/3/2023, Ngân hàng MSB công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên, với nhiều kế hoạch quan trọng, trong đó có phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Thời điểm MSB xác nhận sáp nhập một ngân hàng cũng là thời điểm Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) chuẩn bị thoái vốn khỏi PG Bank.
Có khá nhiều tin đồn về việc PGBank sẽ về chung nhà với MSB hay “về tay anh Tuấn Huyndai” (người được cho là vừa thoái vốn tại Eximbank). Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin chính thức nào liên quan đến câu chuyện này được đưa ra.
Tại đại hội cổ đông thường niên của MSB, khi thảo luận đến tờ trình sáp nhập một tổ chức, cổ đông Ngân hàng đã yêu cầu ban chủ tọa nêu tên tổ chức tín dụng này, nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB cho biết: “Vấn đề sáp nhập ngân hàng, Hội đồng quản trị không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt. Việc đưa ra đại hội cổ đông chỉ mới là bước xin chủ trương ban đầu. Đồng ý hay không đồng ý, cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết”.
Cũng liên quan đến câu chuyện M&A, tại đại hội cổ đông thường niên của VPBank diễn ra tuần qua, cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Ngân hàng về tiến độ thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác SMBC.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, ngày 27/3/2023, Ngân hàng đã ký thoả thuận hợp tác và ngày 17/4 vừa qua đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ là hơn 3.900 tỷ đồng, còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ sẽ kéo dài 2 - 3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn tất thương vụ, khi đó đối tác sẽ chuyển hết tiền vào.
Cũng theo ông Dũng, VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng nên hiện tại mới chỉ có thể thông tin như vậy.
“Trong dự thảo đề án, 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu sẽ có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49%, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt nên hiện tại chưa thể nói điều gì chính xác được”, ông Dũng nói.
Đáng chú ý, VPBank còn trình cổ đông thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết. Trong đó, đại hội cổ đông thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.
M&A, con đường tăng vốn ngắn nhất
Còn tại đại hội cổ đông 2023 của Ngân hàng SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển có chia sẻ xung quanh câu chuyện tìm đối tác chiến lược của Ngân hàng: “SHB như cô gái đẹp được nhiều chàng trai quan tâm, nhưng quan điểm của SHB trước đây là chọn nhà đầu tư có khả năng tài chính tốt, đi đường dài với Ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng gặp các chàng rể chủ yếu có ý định đồng hành thời gian ngắn, cho đến cuối năm ngoái, Ban lãnh đạo đã gặp gỡ sâu hơn với một số tập đoàn tài chính lớn, có chiến lược từ 3 - 5 năm. Theo đó, Ngân hàng đang trao đổi, đàm phán và dự kiến trong năm nay và năm sau sẽ có những chàng rể trung hạn”.
Ông Hiển cũng đã tiết lộ thêm về thương vụ bán SHB Finance cho đối tác nước ngoài Krungsri. Dự kiến, trong tháng 4 này, hai bên sẽ hoàn thành các thủ tục và sang tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, phần còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Krungsri từng cho biết ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD (3.500 tỷ đồng) để mua lại SHB Finance.
Tại đại hội cổ đông 2023, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đang triển khai 3 phương án tăng vốn: Thứ nhất, từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành là 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank.
Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, Ngân hàng sẽ hoàn thành việc tăng vốn. Thứ hai, theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Cụ thể, với mức tăng vốn như trên, theo quy định phải được Quốc hội thông qua. Thứ ba, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2023 - 2024. Vietcombank đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính.
Hồi đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Tiếp theo đó, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, gần đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự thảo này đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm “Big 4”) sẽ được nới room vốn ngoại lên mức tối đa 49%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, cho phép các ngân hàng lớn M&A các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ những ngân hàng này cũng như để tránh ảnh hưởng không tích cực trong hệ thống”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, M&A là con đường tăng vốn ngắn nhất đối với nhiều ngân hàng hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn.