Hình ảnh vắc-xin dạng uống do trường đại học Thiên Tân, Trung Quốc cung cấp (Ảnh: Đại học Thiên Tân).
Global Times ngày 25/2 đưa tin, Đại học Thiên Tân đã phát đi thông báo trên. Ông Huang Jinhai, giáo sư đứng đầu dự án nghiên cứu vắc-xin, đã uống thử 4 liều và cho biết ông chưa bị bất cứ tác dụng phụ nào.
Đại học Thiên Tân cho biết hiện họ đang tìm đối tác để tiến hành thử nghiệm lâm sàng và áp dụng rộng rãi.
Vắc-xin uống sử dụng chất saccharomyces cerevisiae dùng trong thực phẩm cùng với protein tăng đột biến của virus Covid-19 làm mục tiêu nhằm sinh kháng thể chống lại mầm bệnh, thông báo của Đại học Thiên Tân cho hay.
Đội ngũ của giáo sư Huang đã điều chế ra các mẫu thử của vắc-xin dạng uống dưới dạng các viên nang, viên sữa, công thức dạng hạt.
Ông Huang cho hay vắc-xin uống có thể kích thích miễn dịch để ngăn virus lây nhiễm vào cơ thể người. Nó có thể được ứng dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh.
“Vắc-xin này có tính an toàn cao, tiện lợi khi sử dụng và có thể sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn”, ông Huang nhận định.
Trong thời gian tới, ông Huang và đội ngũ sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để hợp tác và đánh giá lại các quy trình điều chế để đẩy nhanh tiến độ sản xuất và sử dụng vắc-xin ngăn mầm bệnh, vốn đã khiến hơn 2.600 người thiệt mạng và 80.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu.
Hồi giữa tháng 2, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego (Mỹ) cho biết, họ chỉ mất 3 giờ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin kháng virus corona chủng mới (Covid-19).
Vào thời điểm đó, công ty dược phẩm Inovio Pharmaceuticals tuyên bố sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên động vật trước khi tiến hành với người.
Thông tin đại học Thiên Tân điều chế ra vắc-xin được công bố trong bối cảnh Trung Quốc ghi nhận thêm 71 ca tử vong vì virus corona chủng mới (Covid-19) trong ngày 24/2, thấp nhất hơn 2 tuần qua trong bối cảnh dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát tại quốc gia Đông Á.
Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, diễn biến lây lan của virus corona chủng mới vẫn được đánh giá là khá phức tạp khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu bùng phát ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.