Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng cho biết, trường sẽ chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên nộp học phí bằng tiền ảo Bitcoin. Trước mắt, hình thức này sẽ áp dụng cho sinh viên ngoại.
Ông Tùng lý giải việc trường bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin bởi đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Đại học FPT, đặc biệt là những sinh viên châu Phi, vốn khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.
Theo ông, sinh viên dùng Bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ Bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.
Đánh giá về mức độ rủi ro của hình thức này, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương.
Theo lãnh đạo Đại học FPT, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến Bitcoin. Tuy nhiên, nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng Bitcoin để thanh toán học phí.
"Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0", ông Tùng cho hay.
Tiền ảo Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đồng tiền này chỉ có thể tạo ra thông qua các thuật toán phức tạp.
Hiện cả thế giới có khoảng 15 triệu Bitcoin. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới lo ngại về tình trạng bong bóng giá trị của đồng tiền ảo này.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng từng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác.
Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.