Năm 2018, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên, phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank, lãnh đạo NHNN cho rằng, với kế hoạch lợi nhuận trên sẽ có những khó khăn cho Saigonbank.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, dự kiến dư nợ tín dụng đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 12%; vốn huy động đạt 20.000 tỷ đồng, tăng 13%. Tổng tài sản ước tăng 10% đạt 23.500 tỷ đồng.
Thanh toán đối ngoại ước đạt 310 triệu USD, bằng mức thực hiện năm 2017. Nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Kết thúc quý 1/2018, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 116 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng vọt từ 2,68% đầu năm lên 4%. Dư nợ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành còn gần 597 tỷ đồng, trong đó đã trích lập khoảng 325 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch năm, Saigonbank cho biết, sẽ tập trung tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu duy trì ở mức 15-16%.
Đảm bảo tỷ lệ cho vay trên huy động thấp hơn 80%; tập trung khai thác phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa; tận dụng lợi thế để tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, khai thác nguồn vốn giá rẻ để giảm chi phí huy động vốn; tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước.
Tuy nhiên, phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng, kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là khó cho Saigonbank.
Năm 2017 là năm Saigonbank trải qua nhiều thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo cốt cán, cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều được thay mới.
Theo đó, ông Phạm Văn Thông, Chủ tịch HĐQT Saigonbank sẽ thôi giữ nhiệm vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo uỷ quyền của cổ đông - là tổ chức quy định theo Luật Các TCTD. Ông Thông thôi giữ nhiệm vụ thành viên HĐQT để nhận nhiệm vụ khác theo sự phân công của chủ sở hữu.
Còn ông Vũ Quang Lãm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Saigonbank sẽ thôi giữ chức danh Tổng giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, bà Võ Thị Nguyệt Minh, Phó tổng giám đốc thường trực sẽ chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Saigonbank thay cho ông Lãm.
Động thái thay đổi loạt nhân sự lãnh đạo cấp cao tại Saigonbank diễn ra trong bối cảnh cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Thành uỷ TP.HCM đang có những bước thoái toàn bộ vốn góp tại ngân hàng này. Văn phòng Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn nhất tại Saigonbank khi sở hữu 18,18% vốn ngân hàng.
Chính sự xáo trộn này đã ảnh hưởng đôi phần đến tình hình hoạt động của Ngân hàng. Các chỉ tiêu về huy động, cho vay đều không đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tăng trưởng so với năm 2016. Còn lợi nhuận trước thuế giảm tới 60% so với năm trước bởi Saigonbank đã trích lập dự phòng tăng gấp đôi trong năm 2017.
Tại ĐHCĐ, ông Vũ Quang Lãm cho hay, thực chất lợi nhuận năm qua của Saigonbank đạt khoảng 388 tỷ đồng, đây không phải là một con số thấp. Tuy nhiên, ngân hàng phải chấp hành đúng quy định của NHNN trong việc phân loại nợ, do đó trích lập dự phòng rủi ro lên đến 281 tỷ đồng.
Theo ông Lãm, trích lập dự phòng như của để dành, quỹ dự phòng đến hết năm 2017 của Saigonbank ghi nhận 669 tỷ đồng. Con số này đủ để đảm bảo thanh khoản và ổn định ngân hàng, giữ giá cổ phiếu. Thế nhưng, cổ đông của Saigonbank không được nhận cổ tức.
Năm 2018, Ban lãnh đạo Saigonbank đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ bán nợ xấu cho DATC, VAMC và các doanh nghiệp khác; tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng vay, làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu,…
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, nếu xét trên sự tương quan giữa những tăng trưởng về tài sản, huy động và tín dụng thì kế hoạch lợi nhuận 2018 là khó cho Saigonbank. Mặc dù Saigonbank là mô hình cổ phần, nhưng lại ở một quy mô nhỏ; tất nhiên ngân hàng không cần tăng trưởng quá nóng, nhưng phải tăng trưởng chứ không nên để thấp quá. Được biết, vốn điều lệ hiện tại của Saigonbank vẫn chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Từ năm 2014, ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thực hiện được.