Ảnh Internet
ĐHCĐ Seaprodex đã thông qua kế hoạch năm 2015 với doanh thu 2.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự kiến 2015 - 2017, doanh thu các năm tiếp theo tương ứng là 4.606 tỷ đồng và 5.266 tỷ đồng; lợi nhuận là 109 tỷ đồng và 131 tỷ đồng. Tuy nhiên, về cổ tức, Ban giám đốc lại đặt kế hoạch không chia cổ tức năm 2015 và sẽ chia 6% năm 2016; 8% năm 2017.
Lý giải về việc không thực hiện cổ tức năm nay, ông Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc Seaprodex cho biết: “Seaprodex không chia cổ tức cho cổ đông năm 2015 vì muốn giữ lại lợi nhuận để đầu tư”.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK bên lề Đại hội, ông Tâm cho hay, nếu Seaprodex thu hồi được vốn đầu tư trong liên doanh thủy sản Việt - Nga (Seaprimico) khoảng 35 tỷ đồng, sẽ được hoàn nhập dự phòng rủi ro, lợi nhuận sẽ tăng lên 82 tỷ đồng. Khi đó, Tổng công ty có thể chia cổ tức 5%.
Trong kế hoạch 2015, đáng chú ý là doanh thu giảm mạnh còn 2.560 tỷ đồng từ con số hơn 4.000 tỷ đồng kế hoạch xây dựng tại thời điểm thực hiện cổ phần hóa. Theo ông Tâm, do Tổng công ty cắt giảm mảng kinh doanh thiết bị vật tư nhập khẩu có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không ổn định, nên dù doanh thu kế hoạch giảm, nhưng lợi nhuận không thay đổi.
Năm 2015, Seaprodex sẽ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề, vì thế sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án quan trọng: xây dựng văn phòng làm việc tại 211 Nguyễn Thái Học (quận 1); xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng làm việc tại số 4 Đồng Khởi; cơ sở kinh doanh tại số 7 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh); xây dựng khách sạn 80 Thùy Vân (Vũng Tàu), dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2017 nhằm tăng lợi nhuận và doanh số kinh doanh cho Công ty mẹ.
Hiện Seaprodex đã thoái vốn tại 21 đơn vị thành viên, 9 đơn vị còn lại với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng chưa thoái được do vướng mắc về đất đai và hoạt động tại các đơn vị này kém hiệu quả.
Tổng công ty cũng đã thông qua Nghị quyết lên giao dịch sàn UPCoM sau 90 ngày theo đúng quy định; từ năm 2016 sẽ tiếp tục bán vốn Nhà nước xuống dưới 51% so với tỷ lệ hiện nay là 63,3%.