Theo số liệu do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố, đến hết năm 2013, thị phần truyền hình trả tiền tại Việt Nam chủ yếu nằm trong tay VTVCab và SCTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%; kế đến là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia nhau 15% phần ít ỏi còn lại.
Còn theo số liệu của Hiệp hội truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA), tính đến hết năm 2013, VTVcab dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam, với 28% thị phần; tiếp theo là SCTV với 26% thị phần, MyTV với 16%, K+ và HTVC cùng có 9% thị phần, VTC nắm 6% thị phần...
Đại diện nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền nhận xét, sở dĩ có sự chênh lệch về số liệu là do CASBAA tính thị phần theo lượng thuê bao mà nhà đài đang có, còn Cục Quản lý cạnh tranh tính theo doanh thu. Doanh thu mới là yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, việc một nhà đài có 1 triệu thuê bao có phí thuê bao 200.000 đồng/tháng sẽ khác rất xa so với nhà đài có 1 triệu thuê bao, nhưng phí thuê bao chỉ 30.000 đồng/tháng.
Được biết, tính đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 6,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, tăng mạnh so với cách đây vài năm. Tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền cũng tăng ấn tượng khoảng 25%/năm. Song “miếng bánh” béo bở, đầy tiềm năng của thị trường truyền hình trả tiền không dễ ăn, bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhiều nhà cung cấp luôn phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc nhà đài nào duy trì được lượng thuê bao hiện hữu, đồng thời phát triển được thuê bao mới sẽ giành được thị phần lớn.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV (HTV-TMS) cho biết, HTVC hiện có 700.000 thuê bao, chiếm 9% thị phần sau 7 năm hoạt động. “Việc phát triển dịch vụ truyền hình cáp ra các tỉnh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong vòng 3 - 4 năm nay trở lại đây số lượng thuê bao của Công ty hầu như giữ nguyên”, ông Hoà thừa nhận.
Ông Phan Minh Thế, Phó giám đốc Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) cho rằng, cạnh tranh trên thị trường THTT ngày càng khốc liệt, khi các đối thủ đua nhau nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá bán sản phẩm đầu thu, tặng đầu thu…
Nhận xét về xu hướng cạnh tranh trong thời gian tới, ông Vũ Tú Thành, cố vấn CASBAA cho rằng, , các nhà đài sẽ phải dè chừng trước sự tham gia vào thị trường của các doanh nghiệp viễn thông. Việc các “đại gia” viễn thông như VNPT, Viettel, FPT tham gia vào “cuộc chơi” THTT sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện hữu.
Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT xác định trong thời gian tới, chỉ tạm thời đẩy mạnh IPTV (cụ thể là dịch vụ MyTV), chứ chưa có kế hoạch nhảy sang truyền hình cáp thông thường. Đồng thời, VNPT cũng sẽ chuyển hướng sang sản xuất smartbox, cho phép người dùng theo dõi các chương trình yêu thích một cách liền mạch trên nhiều thiết bị khác nhau, từ TV cho đến smartphone, PC, máy tính bảng. Những chiếc đầu smartbox này sẽ do VNPT Technology nghiên cứu phát triển, sản xuất hoàn toàn và dự kiến giới thiệu ra thị trường trong quý I/2015.
Còn Viettel hiện cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn “thử nghiệm dịch vụ” chứ chưa chính thức cung cấp truyền hình trả tiền. Song tham vọng của Viettel lại không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel phân tích, đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350 m, nhưng sắp tới, Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200 m vào năm 2015.
“Điều này có nghĩa là, cáp quang đã đến sát hộ gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và có thể đến vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình Việt Nam”, ông Hùng nói.
Thị phần truyền hình trả tiền chắc chắn sẽ có thay đổi đáng kể, một khi hai “ông lớn” chính thức nhập cuộc.