Không ít đơn vị phân phối xăng dầu rút khỏi cuộc chơi
Vừa qua, Bộ Công thương đã thu hồi 2 giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long (TP.HCM) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật (Ninh Bình), do các thương nhân chủ động trả lại giấy chứng nhận khi không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải du lịch Petrolimex Nghệ Tĩnh (Nghệ An), khi doanh nghiệp đề nghị thu hồi giấy xác nhận thương nhân phân phối xăng dầu.
Trước đó, trong tháng 5/2025, có 4 doanh nghiệp phân phối xăng dầu xin rút khỏi thị trường với lý do chung là không duy trì được điều kiện kinh doanh.
Ước tính, trong 7 tháng đầu năm 2024, có khoảng 20 thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh. Hiện trên thị trường còn hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng dầu (tính toán từ số liệu của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), trong khi năm 2023, có thời điểm số lượng thương nhân phân phối lên đến hơn 330.
Đáng lưu ý, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó có quy định, thương nhân phân phối sẽ không được mua hàng chéo của nhau, mà chỉ quy về mua hàng của thương nhân đầu mối (hiện tại, các thương nhân phân phối ngoài việc mua hàng của thương nhân đầu mối còn được mua chéo của nhau để tránh tình trạng bị thương nhân đầu mối tạo sức ép). Cơ quan soạn thảo lý giải, thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lập luận của cơ quan soạn thảo không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. VCCI nhấn mạnh, thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường, do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.
Về phía các thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai lo ngại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường nếu dự thảo nghị định được thông qua.
Một thương nhân phân phối khác nhận xét, quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau là siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường.
Doanh nghiệp lớn hưởng lợi
Petrolimex và PV Oil là hai thương nhân đầu mối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với thị phần lần lượt là hơn 50% và khoảng 20%.
Trước những quan điểm bất đồng xung quanh dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, các nhà làm luật đang đánh giá lại các quy định nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên. Trong trường hợp dự thảo hiện tại được thông qua, vị thế của các thương nhân đầu mối lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil, mã OIL) được nhìn nhận sẽ vững chắc hơn.
Hiện nay, Petrolimex và PV Oil là hai thương nhân đầu mối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với thị phần xấp xỉ 70%, trong đó Petrolimex chiếm hơn 50%, PV Oil chiếm khoảng 20%.
Maybank Investment Bank đánh giá, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp lớn trong ngành, mang lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp chiếm ưu thế trong nhóm này gồm Petrolimex và PV Oil về tiềm năng gia tăng thị phần và biên lợi nhuận.
Tương tự, BSC Research nhận định, Petrolimex sẽ có cơ hội giành thêm thị phần, do điều kiện kinh doanh xăng dầu thắt chặt thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu và các đơn vị bán lẻ xăng dầu.
Trường hợp dự thảo nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối không được mua hàng chéo của nhau thì tiềm năng tăng trưởng của các “ông lớn” vẫn còn, nhờ tình hình tiêu thụ gia tăng. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giai đoạn 2024 - 2030 được dự báo tăng trưởng kép hàng năm là 5,5%/năm.
BSC Research cho rằng, thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng dài hạn và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ duy trì tăng trưởng ổn định với mức bình quân 4 - 5%/năm.
Về quy định phát hành hoá đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các đơn vị phân phối nhỏ lẻ đang gặp khó khăn, bởi phải đầu tư không nhỏ vào hệ thống công nghệ. Tính đến cuối quý I/2024, mới chỉ có 36% đơn vị bán lẻ đáp ứng được yêu cầu phát hành hoá đơn điện tử. Các cửa hàng không phát hành hóa đơn điện tử có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Trong khi đó, với Petrolimex và PV Oil, yêu cầu về hoá đơn điện tử hầu như không tạo ra khó khăn nào, thậm chí Petrolimex chỉ tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng cho toàn hệ thống.
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, Petrolimex ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, trong quý II năm nay, Petrolimex đạt doanh thu 73.837 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi khấu trừ đi chi phí và thuế, doanh nghiệp mang về gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 48% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex đạt doanh thu 148.943 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.407 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12% và 54%.
Tại PV Oil, doanh nghiệp mang về 34.755 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2024, tăng 56% so với quý II/2023, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa, xuống 79 tỷ đồng.
PV Oil cho biết, trong quý II/2024, giá xăng dầu thế giới biến động theo chiều hướng giảm như quý II/2023, nhưng do thời gian điều hành giá cơ sở được điều chỉnh từ 10 ngày/lần xuống 7 ngày/lần đã làm cho tốc độ giảm giá bán nhanh hơn, khiến lãi gộp giảm. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND trong quý II năm nay có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, làm tăng chi phí tài chính do chênh lệch tỷ giá, dẫn đến lợi nhuận đi xuống.
Lũy kế nửa đầu 2024, PV Oil đạt doanh thu 64.379 tỷ đồng, tăng 50%; lợi nhuận sau thuế 312 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ. Thời gian này, PV Oil đã phát triển thêm 60 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng trong toàn hệ thống lên 807.
Chuỗi giá trị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gồm 3 nhóm chính:
- Thương nhân phân phối chịu trách nhiệm nhập xăng dầu từ các nguồn cung cấp quốc tế hoặc trong nước và đưa vào lưu thông trong nước. Tại thị trường Việt Nam, các thương nhân đầu mối lớn bao gồm Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro...
- Thương nhân phân phối là các đơn vị mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối và phân phối lại cho các thương nhân bán lẻ hoặc trực tiếp đến người tiêu dùng. Nhóm này đóng vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng, đảm bảo xăng dầu được vận chuyển và phân phối đến các trạm xăng và cửa hàng bán lẻ.
- Thương nhân bán lẻ là các đơn vị cuối cùng trong chuỗi cung ứng, cung cấp xăng dầu trực tiếp cho người tiêu dùng tại các trạm xăng và cửa hàng. Các thương nhân này không tham gia vào quá trình sản xuất hay phân phối, chỉ tập trung vào việc bán hàng.