Sản phẩm chính của CVT là các loại gạch lát, gạch ốp, gạch thẻ

Sản phẩm chính của CVT là các loại gạch lát, gạch ốp, gạch thẻ

Đại gia ngành nhựa thâu tóm Công ty cổ phần CMC (CVT)?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hầu hết các vị trí lãnh đạo cấp cao của Công ty cổ phần CMC (mã chứng khoán CVT) đã hoàn tất việc bán ra cổ phiếu với giá cao.

Ít nhất có hai nhóm nhà đầu tư gom mua

Lịch sử giao dịch cổ đông nội bộ cho thấy, gần như toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát của CVT đều đã thực hiện bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ.

Việc bán ra này diễn ra liên tục từ giữa tháng 11/2020 đến nay, khi giá cổ phiếu tăng nhanh, có thời điểm đạt mức tăng hơn 100%. Tính trong 1 tháng gần nhất, giá cổ phiếu CVT tăng khoảng 40%, thanh khoản bình quân gần nửa triệu đơn vị/phiên.

Động thái lãnh đạo doanh nghiệp bán ra thường tác động tiêu cực tới tâm lý cổ đông và giá cổ phiếu, nhưng ở CVT, khối lượng cổ phiếu thoái vốn được hấp thụ hết tại mức giá cao.

Hiện tại, CVT chưa công bố cổ đông mới với tỷ lệ sở hữu từ 5% trở lên. Một số nhà đầu tư nhận định, tại CVT có thể có sự thương lượng, thống nhất về việc chuyển giao sở hữu, chuyển giao quyền lực và “ông chủ mới” chưa muốn lộ diện danh tính.

Thực tế giao dịch cho thấy, một nhà đầu tư tổ chức là Công ty cổ phần Gạch ốp lát Hòa Bình Minh thông báo mua 261.650 cổ phiếu trong phiên 11/11, nâng số lượng nắm giữ lên 282.090 đơn vị, tương đương 0,769% vốn điều lệ CVT.

Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến Gạch ốp lát Hòa Bình Minh (gồm ông Bùi Minh Lực, bà Nguyễn Thị Hiền, bà Nguyễn Minh Hồng) sở hữu 9,827% CVT. Trong khoảng thời gian từ 11 - 16/11, nhóm này cổ đông này đăng ký mua thêm cổ phiếu CVT và báo cáo ngày 23/11 cho thấy, tỷ lệ sở hữu đã tăng lên 19,413%.

Gạch ốp lát Hòa Bình Minh có trụ sở tại Yên Bái, kinh doanh vật liệu, thiết bị lắp đặt xây dựng, vốn điều lệ 58 tỷ đồng, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hòa Bình Minh sở hữu 80%. Tập đoàn này có vốn điều lệ 268 tỷ đồng, các cổ đông góp vốn là ông Bùi Quang Minh, bà Nguyễn Thị Hiền, ông Bùi Minh Lực, ông Bùi Công Thành.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhóm nhà đầu tư khác cũng mạnh tay gom cổ phiếu CVT. Nhóm này có liên quan đến một “đại gia” ngành nhựa (trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua cổ phần chi phối ở các công ty nước sạch), hiện gom được trên 60% cổ phần CVT.

Mục tiêu thâu tóm là gì?

CVT có gì hấp dẫn để các nhóm cổ đông sẵn sàng trả mức giá cao hơn hẳn so với mặt bằng giá cổ phiếu trước đó?

Được biết, CVT tiền thân là Nhà máy Bê tông Việt Trì được thành lập năm 1958, cổ phần hóa năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 366,9 tỷ đồng sau nhiều lần tăng vốn.

Sản phẩm chính của CVT là các loại gạch lát, gạch ốp (bao gồm ceramics và granit). Ngoài ra, Công ty sản xuất các loại gạch thẻ và từ năm 2016 đưa ra thị trường thêm sản phẩm gạch ngói.

Hiện tại, CVT và Tập đoàn Prime là 2 đơn vị sản xuất gạch được thị trường đánh giá cao bởi sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng. Công suất nhà máy liên tục được mở rộng trong giai đoạn 2010 - 2016, tổng công suất thiết kế vào khoảng 18 triệu m2/năm.

Kết quả kinh doanh của CVT nhìn chung tăng trưởng trong giai đoạn 2007 - 2017, nhưng từ năm 2018 đến nay, doanh thu và lợi nhuận trồi sụt, với xu hướng giảm là chủ yếu.

Tuy nhiên, xét về tài sản, CVT đang sở hữu một số bất động sản tại Thành phố Việt Trì. Đáng chú ý, tháng 6/2020, Hội đồng quản trị CVT đã có tờ trình gửi cổ đông về phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bán, chuyển nhượng khu đất hơn 7,5 ha, nơi Công ty đặt nhà máy tại CMC số 1.

Khu đất này được giao cho CVT với thời hạn 50 năm. Công ty còn có một khu đất thuê thời hạn 43 năm đang được sử dụng để sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, với diện tích 18,1 ha.

Các bất động sản này có thể là yếu tố khiến các nhà đầu tư mạnh tay chi tiền để mua chi phối CVT, trong khi thị giá trên sàn chứng khoán trước đó được cho là chưa phản ánh hết giá trị thực của Công ty.

Tin bài liên quan