Theo ABC News, một công ty đấu giá ở Paris vừa công bố một bộ xương gần như hoàn chỉnh của loài khủng long ăn thịt, dài gần 9m, cao hơn 2,7m được cho là đã sống vào cuối kỷ Jura cách đây 154 triệu năm.
Bộ hóa thạch đặc biệt được khai quật ở bang Wyoming, Mỹ từ năm 2013 đến năm 2015 với 70% còn nguyên vẹn.
“Bộ xương hoàn chỉnh tới 70%. Đây là điều rất đáng chú ý khi có số lượng lớn các xương hóa thạch ban đầu”, nhà cổ sinh vật học Eric Mickeler nói với ABC News trong khi quan sát bộ xương.
Chia sẻ với báo chí, các nhà cổ sinh vật học trên thế giới rất muốn được tận mắt chiêm ngưỡng và nghiên cứu bộ hóa thạch này bởi họ nghi ngờ đây là một cá thể của một loài chưa được biết đến.
Thay vào đó, một đại gia đã ngay lập tức nắm lấy cơ hội này và mua bộ hóa thạch khủng long hiếm có này với giá 2.360.389 USD.
Điều này cho thấy, viện bảo tàng và các nhà khoa học ngày càng thiếu tiền để mua hóa thạch khủng long khi chúng được bán đấu giá với mức giá khổng lồ, tạp chí khoa học Nature giải thích.
Ông David Polly, Chủ tịch của Hiệp hội Sinh vật cổ có xương sống, nói với tờ Nature rằng, những cuộc đấu giá hóa thạch khủng long đắt tiền đang dần trở nên phổ biến hơn.
“Bất kỳ phiên đấu giá nào có hóa thạch chất lượng cao đều rất được các đại gia quan tâm, bởi vì các tổ chức khoa học thường hoạt động với một ngân sách thấp. Do đó, chúng tôi không có tiền trả cho những nhà thu thập hóa thạch hoặc mua chúng trên sàn đấu giá”, ông này nói.
Theo đó, Hiệp hội này đã yêu cầu công ty đấu giá Aguttes không được đấu giá và bán hóa thạch cổ nữa.
“Các mẫu vật hóa thạch được bán vào tay tư nhân đều bị mất đi tính khoa học. Hóa thạch động vật có xương sống có tầm quan trọng về mặt khoa học và là một phần trong di sản thiên nhiên của chúng ta”, ông David nhấn mạnh.
Bộ hóa thạch được một đại gia ẩn danh mua với giá gần 54 tỷ đồng. (Nguồn: ABC News).
Tuy nhiên, những nhà đấu giá và bán hóa thạch này hoàn toàn hợp pháp và không gì có thể cản họ.
Nhiều hóa thạch khủng long ngày nay đang được phát hiện trên đất tư ở Mỹ. Trong khi luật pháp nước này cho phép những nhà khảo cổ học phát hiện được hóa thạch khủng long có thể làm mọi thứ họ muốn với những gì được tìm thấy trên đất của họ.
Bảo tàng cũng có quyền mua bộ xương hóa thạch tại các phiên đấu giá, tuy nhiên, rất nhiều bảo tàng đang thiếu kinh phí để làm như vậy.
Ông Steve Brusatte, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, nói với tờ Quartz rằng, hóa thạch là di sản thiên nhiên không thể thay thế được, và những thứ tốt nhất, quan trọng nhất nên được ở trong các bảo tàng công cộng để mọi người có thể xem và thưởng thức.
“Nhưng tôi cũng tôn trọng luật của các tiểu bang hay quốc gia khác. Luật pháp của Hoa Kỳ khá rõ ràng và chủ sở hữu đất có nhiều quyền đối với những gì được tìm thấy trên tài sản của họ và tôi chấp nhận điều đó”, ông Steve nói thêm.
Tuy nhiên, ông Mickeler, chuyên gia định giá cho công ty đấu giá Aguttes cho biết:
“Dựa trên kinh nghiệm của tôi, tôi tin rằng bộ hóa thạch khủng long này sẽ được bày trong một bảo tàng nào đó. Bởi khi doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà tài trợ mua hóa thạch khủng long, họ thường làm từ thiện hoặc cho vay vĩnh viễn đối với các tổ chức công cộng”.
Ngoài ra, một phần lợi nhuận bán bộ hóa thạch sẽ được gửi đến 2 tổ chức từ thiện bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng là Sea Shepherd và Ann Van Dyk Cheetah Center.