Dự án Nam An Khánh của Sudico cần 3-4 năm nữa để hoàn thiện hạ tầng
Bỏ lỡ cơ hội vàng khi những rắc rối nội bộ khiến sản phẩm dự án này không được đưa ra thị trường thời điểm sốt nóng, nay Dự án Nam An Khánh đang phải làm mới mình trong mắt khách hàng.
Một lãnh đạo của CenGroup cho biết, còn rất nhiều việc phải làm trước khi đưa Dự án đến tay khách hàng. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện hạ tầng, tạo ra điều kiện sống thuận lợi để các cư dân có thể đến sinh sống tại Khu đô thị. Có như vậy, người tiêu dùng có nhu cầu thực mới quan tâm và mua sản phẩm tại đây.
Trên thực tế, Dự án Nam An Khánh, Sudico đã có đất sạch cách đây gần 5 năm, đây là khu đô thị ven trung tâm Hà Nội có mật độ cây xanh và hồ nước rất lớn tại Thủ đô. Tuy nhiên, cơn băng giá của thị trường BĐS đã khiến giá nhà biệt thự, đất liền kề tại đây giảm mạnh, từ mức cao nhất tới 60 triệu đồng/m2 giờ chỉ còn 20-21 triệu đồng/m2. Khi nhu cầu đầu cơ đã qua, Công ty muốn bán được hàng buộc phải đáp ứng được thị hiếu của người có nhu cầu ở thực. Hơn nữa, theo quy hoạch, những sản phẩm tại Dự án đều dành cho khách hàng có thu nhập từ trung, cao cấp trở lên (diện tích mỗi căn biệt thự từ 200 m2 trở lên, nhà liền kề từ 120 m2 trở lên), những khách hàng như vậy hiện có rất nhiều sự lựa chọn.
“Sudico sẽ phải thay đổi để đáp ứng khẩu vị của khách hàng, từ phương thức bán hàng đến giá cả”, ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT Sudico cho biết.
Với tiến độ như hiện nay, việc ra hàng (nếu có) của Sudico có lẽ sẽ diễn ra sau Tết Nguyên đán. “Để các điều kiện sinh sống tại khu đô thị thuận lợi, có lẽ cần tới 3 - 4 năm nữa. Bởi vậy, nếu không cải thiện những điều kiện này, Sudico sẽ phải đưa ra mức giá cực kỳ cạnh tranh mới mong bán được hàng”, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản nhận định. “Thế thời đã khác”, thị trường sẽ chờ đợi những thay đổi của Công ty để bán được hàng.
Trong khi đó, đại dự án Bắc An Khánh (Splendora), nằm đối diện với Nam An Khánh qua Đại lộ Thăng Long cũng đang có những chuyển động âm thầm, song được nhận định sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong diện mạo Khu đô thị. Không thống nhất được quan điểm về đầu tư và thời điểm phân chia lợi nhuận, cũng như cần vốn để cấp cứu cho các dự án BĐS khác, Vinaconex, một trong hai bên tham gia liên doanh, đã đặt vấn đề thoái toàn bộ vốn khỏi Dự án Splendora. Theo một nguồn tin từ Vinaconex, đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu và đặt vấn đề để Vinaconex cung cấp thông tin. Có khả năng đối tác nước ngoài sẽ mua lại phần vốn góp của Vinaconex để Dự án trở thành 100% vốn nước ngoài, tương tự như Dự án ParkCity tại Hà Đông? Nguồn tin từ Vinaconex không phủ nhận.
Với tỷ lệ tham gia liên doanh của phía Việt
Dù đổi chủ theo phương án nào chăng nữa, vào năm 2013, cả 2 đại dự án trên đều tăng tốc để giành lợi thế thu hút khách hàng. Cuộc đua tranh quyết liệt sẽ tạo cơ hội thuận lợi hiếm có cho những khách hàng sẵn tiền và mong muốn sở hữu bất động sản cao cấp.