Đại dịch thay đổi thói quen người dùng, đòi hỏi ngân hàng đẩy mạnh số hóa

Đại dịch thay đổi thói quen người dùng, đòi hỏi ngân hàng đẩy mạnh số hóa

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ làm thay đổi nền tảng vận hành hệ thống dịch vụ ngân hàng bán lẻ theo các chiều hướng tích cực và tiêu cực khác nhau.

Thanh toán phi tiền mặt tăng mạnh

Phát biểu tại Diễn đàn ngân hàng bán lẻ diễn ta ở TP.HCM ngày 26/11, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã tác động mạnh, gây ra những ảnh hưởng hết sức nặng nề đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng đương nhiên không phải là ngoại lệ.

Theo số liệu của các ngân hàng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là Internet Banking, Mobile Banking tăng rất cao so cùng kỳ năm trước, từ mức 1,4 - 2,6 lần và chiếm trên 80% tổng số giao dịch.

Đặc biệt, trong thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự dịch chuyển rất mạnh cơ cấu giao dịch.

Theo số liệu của Napas, giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua Công ty từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm đến 90% tổng số giao dịch) năm 2015 thì đến 2020 giảm xuống chỉ còn 26,6%.

Trong khi số lượng các giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% (năm 2015) đã đạt 66,6% số lượng giao dịch vào năm nay.

Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng, tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm từ 84,4% năm 2015 xuống còn 5,4% năm 2020; lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6,3% năm 2015 lên 93,5% năm 2020.

Theo dự báo của các chuyên gia lĩnh vực tài chính, năm 2021 và những năm tới, khi dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn, kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, ngành ngân hàng cần có sự bứt phát để góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng đột biến trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và các con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra điều này.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ.

Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% năm 2019) với giá trị giao dịch khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (bằng 177% năm 2019).

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ.

Hệ thống chuyển mạch tài chính bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch, đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so cùng kỳ.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, dưới tác động của dịch Covid-19, tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ…

Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Covid-19 tác động trực tiếp đến chuyển đổi số của ngân hàng, đó là sự ra đời và tạo dựng hệ sinh thái, Công nghệ IA, Digital money.

Các Ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang triển khai và các công nghệ đột phá này đang làm biến dạng hệ sinh thái tài chính.

"Ứng dụng chuyển đổi số của ngân hàng đang diễn biến rất nhanh, tư duy thay đổi hành vi của người tiêu dùng", ông Ngoạn nhấn mạnh.

Chuyển đổi số hay là chết?

Theo ông Ngoạn, chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng đã đến giai đoạn bùng nổ. Câu hỏi đặt ra cho các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là chuyển đổi số hay là chết?

Từ đó có thể thấy được rằng, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với các ngân hàng. Chuyển đổi số đối với các ngân hàng là yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của các ngân hàng. "Không có chuyển đổi số của ngân hàng, không có chuyển đổi số của nền kinh tế".

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tác động của dịch Covid-19 dẫn đến các loại rủi ro: tín dụng, thị trường, hoạt động, thanh khoản, pháp lý… đều tăng.

Khẩu vị rủi ro về tín dụng và đầu tư của các ngân hàng thay đổi theo hướng thận trọng hơn. Ngoài ra, tâm lý, hành vi nhu cầu về tiêu dùng, đầu tư và vay mượn của khách hàng thay đổi, đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi theo. Số liệu cho thấy tại Việt Nam, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.

Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các dịch vụ tài chính số đã thể hiện được vai trò hỗ trợ tích cực cho các nhu cầu giao dịch của khách hàng khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, với dân số hiện đang sinh sống tại thành phố khoảng 13 triệu dân (kể cả người dân nhập cư) nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng , chuyển tiền, thanh toán của người dân rất lớn, đó là thị trường tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển rất nhanh đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến của khách hàng, số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến từ 2016 – 2019 bình quân năm tăng khoảng gần 30%.

Thị trường thẻ ở TP.HCM khá phát triển, tính đến tháng 10/2020, số lượng thẻ đang hoạt động tăng 8,45% so với cuối năm 2019, sản phẩm thẻ nội địa vẫn là sản phẩm chủ yếu của các ngân hàng trong nước, chiếm tỷ trọng 69,25%; các điểm chấp nhận thanh toán chủ yếu đặt tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, du lịch, nhà hàng... trên địa bàn TP.HCM để phục vụ nhu cầu mua sắm, thanh toán nhanh chóng của người dân.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích tài chính, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, buộc ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng Giám đốc VietinBank cho hay, các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau về nhân sự mà còn bị cạnh tranh bởi các công ty tài chính công nghệ (fintech), khi họ sẵn sàng trả lương cao hơn để lôi kéo. Nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Long - Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trước xu hướng bùng nổ của công nghệ, ngân hàng cũng xác định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng tập trung nâng cao trải nghiệm và đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính của khách hàng.

Theo ông Long, Agribank đang triển khai thử nghiệm mô hình ngân hàng tự động áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC) bằng công nghệ sinh trắc giúp khách hàng đăng ký thông tin, mở tài khoản trực tuyến…

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, trong quá trình này, một trong những vấn đề gây đau đầu cho lãnh đạo ngân hàng là bài toán nguồn nhân lực, khi nhân sự liên quan đến lĩnh vực công nghệ, số hoá… không nhiều nhưng lại rất dễ nhảy việc.

Tin bài liên quan