Trong vài tuần kể từ khi dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động kinh tế tại Trung Quốc bị đình trệ, quốc gia này đã thực hiện một số chính sách để tránh xảy ra tình trạng vỡ nợ, phá sản.
Theo báo cáo của PwC, tỷ lệ nợ xấu, nợ không có khả năng thanh toán trong tổng nợ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc ước tính lên tới hơn 10% trước khi đại dịch diễn ra và được dự báo sẽ theo xu hướng tăng.
Tính tới cuối năm 2019, giá trị các nợ xấu mà nhà băng và các tổ chức quản lý nợ nắm giữ là 1.500 tỷ USD.
Nếu nhà băng bắt đầu ghi nhận nợ xấu của các doanh nghiệp tại Ðại lục, chi phí tín dụng của họ sẽ gia tăng mạnh, trong khi lợi nhuận bị ăn mòn.
Mặt khác, theo S&P Global Ratings, nếu thực hiện ghi nhận, điều chỉnh đánh giá các khoản nợ, khối nợ xấu mà các nhà băng nắm giữ có thể tăng thêm 224 tỷ USD nữa.
Do đó, các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc không theo đuổi đến cùng các khoản nợ. Kể từ cuối tháng 1/2020, khoảng 1/5 các khoản nợ dành cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được trì hoãn trả lãi, trả nợ gốc cũng như gia hạn xếp hạng nợ.
Ðộng thái này nhận được sự khuyến khích từ giới chức quản lý, khiến nhiều giao dịch giữa chủ nợ và người đi vay được thiết lập bên ngoài các quy định thông thường.
Một ví dụ được nhắc tới gần đây là việc công ty xử lý nước và nước thải Sound Environmental Engineering Co tại Bắc Kinh cho biết, Công ty không đảm bảo khả năng trả nợ trái phiếu.
Vậy nhưng, trong tháng 3, doanh nghiệp này thông báo đã hoàn thành việc hoán đổi nợ trị giá 500 triệu nhân dân tệ trái phiếu thời hạn 3 năm ở mức lợi suất cao hơn. Ða phần các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đồng ý với thoả thuận này và 100 triệu nhân dân tệ nợ đến hạn chưa cần phải thanh toán.
Tương tự, Tewoo Group Co, công ty dịch vụ hàng hoá có sở hữu nhà nước cũng đưa ra đề nghị hoán đổi nợ, khi nhà đầu tư nhận về trái phiếu mới với thời hạn dài hơn.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, các động thái này không hẳn khiến khối nợ xấu của hệ thống ngân hàng được dọn dẹp sạch sẽ, đơn giản chỉ là trì hoãn thời gian phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ.
Việc sắp xếp, tái cơ cấu nợ tạo không gian cho các khoản vay mới, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch mang tới nhiều hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, điều này sẽ tạo nên một hòn đá tảng luôn đè nặng lên hệ thống, bởi ai cũng biết khối nợ xấu đó đang tồn tại và trước tác động của đại dịch, phần nào đó những rủi ro sẽ sớm xuất hiện.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LTD - loan to deposit ratio) đang ở gần mức 80% và còn tăng thêm.
Tính tới cuối tháng 3, các nhà băng đã cho vay thêm 1.800 tỷ nhân dân tệ trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch.
Nguồn vốn của ngân hàng không còn đủ sức để bảo vệ chính mình nếu tỷ lệ nợ xấu gia tăng, trong đó, nhóm ngân hàng lớn chịu sức ép lớn nhất, bởi còn phải chia sẻ thêm gánh nặng với các nhà băng yếu hơn.
Trong bối cảnh này, các thành viên thị trường tài chính băn khoăn, chính quyền Bắc Kinh, cũng như hệ thống ngân hàng còn bao nhiêu lựa chọn để có thể kiểm soát các rủi ro nợ xấu, nhất là khi nhiều biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua nhưng chưa cho thấy hiệu quả.
Trong đó, phải kể tới việc giới chức Trung Quốc tiến hành cải tổ “ngân hàng yếu kém”, thiết lập các công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng ở quy mô toàn quốc.
Một số trái phiếu đặc biệt cũng được phát hành để bổ sung, điều chỉnh vốn cho các nhà băng, cải thiện thanh khoản bằng cách cho phép mua lại các khoản nợ xấu theo giá thị trường.
Bởi vậy, quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cần được tiến hành nhanh hơn nữa, trước khi hàng tỷ USD các khoản nợ xấu mới được ghi nhận trong thời gian tới. Nhất là khi niềm tin đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nhất là về tính minh bạch đang bị tổn hại, với P/B của các nhà băng ở mức thấp nhất lịch sử.