Vào ngày 31/3, News Corp Australia thông báo 60 tờ báo in địa phương thuộc Tập đoàn sẽ ngừng phát hành từ ngày 9/4. Lý do là bởi đại dịch đang diễn ra.
“Việc tạm ngừng phát hành là bắt buộc bởi doanh thu quảng cáo đang lao dốc. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các hoạt động bán đấu giá bất động sản, xem nhà trước khi mua, các sự kiện, hoạt động ăn uống, vui chơi đều bị đóng cửa trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19”, Chủ tịch News Corp Australia Michael Miller cho biết.
Không riêng tại Australia, nhiều tờ báo in tại khu vực châu Á cũng phải tạm ngừng hoạt động bởi các lệnh phong toả, cách ly và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Đây chính là “cú đấm” khốc liệt với các tờ báo truyền thống, vốn đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Cùng ngày News Corp Australia tuyên bố tạm ngừng sản xuất 60 tờ báo, Vietnam News cũng phải ngừng bản in kể từ 15/4, sau khi một phóng viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virut corona.
4 tờ báo khác của Việt Nam cũng tạm ngừng xuất bản báo giấy, nguyên nhân xuất phát từ các quy định hạn chế tiếp xúc và giãn cách xã hội đang được áp dụng.
Tại Ấn Độ, thị trường báo in quy mô hàng đầu thế giới, nhiều toà nhà tại các thành phố lớn ngừng nhận báo giấy, sau khi quốc gia này phát lệnh phong toả vào ngày 25/3. Những người đưa báo không còn phương tiện công cộng để đi lại giữa các khu vực, trong khi người đọc cũng lo ngại có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các bề mặt như báo giấy.
Trong khi đó, ở Philippines, nơi hơn một nửa dân số đang chịu cảnh cách ly, tự cách ly, 2 công ty truyền thông quốc gia là Malaya Business Insight và Manila Standard Today đã quyết định tạm ngừng hoạt động in báo. Những tờ báo này hiện sẽ đăng tin trên website và qua nền tảng mạng xã hội, khiến doanh thu quảng cáo vốn đã “ít ỏi” lại càng sa sút.
Bruce Liu, giảng viên báo chí tại Hong Kong Baptist University chia sẻ, ngành truyền thông sẽ chịu thêm một cú sốc nữa khi nền kinh tế đi xuống vì dịch bệnh.
“Cá nhân, doanh nghiệp đều tránh các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết. Nhiều khả năng người đọc sẽ không còn mua báo, hoặc không gia hạn các tài khoản online. Với việc tiêu dùng giảm sút, các nhà quảng cáo cũng sẽ hạn chế rót tiền cho truyền thông. Đây chính là cú đấm kép với các phương tiện truyền thông truyền thống”, Bruce Liu cho biết.
Tại Australia, quảng cáo trên báo in được dự báo sẽ chứng kiến doanh thu giảm xuống còn 798 triệu AUD (đô la Úc) năm 2020, so với mức 1,63 tỷ AUD năm 2017. Trong khi đó, cùng giai đoạn, doanh thu quảng cáo báo điện tử tăng lên 574 triệu AUD, từ mức 463 triệu AUD, theo PwC.
Tất nhiên, mô hình truyền thông điện tử không hoàn toàn miễn nhiễm trước đại dịch. Tại Trung Quốc, Xinchao Media đã phải sa thải 500 trong số 4.500 nhân viên của mình. Đây là công ty nổi tiếng với hoạt động quảng cáo điện tử, trong đó có quảng cáo tại thang máy các toà nhà.
“Tôi đã dẫn đầu đội ngũ vượt qua được khủng hoảng khi dịch SARS diễn ra năm 2003 và trận động đất lịch sử năm 2008. Nhưng hiện tại, tôi sợ rằng chúng tôi có thể thua cuộc trước dịch Covid-19 năm 2020, bởi chẳng còn ai trên đường phố, đồng nghĩa với không có khách hàng”, Zhang Jixue, người sáng lập và CEO Xinchao Media cho biết.
Đưa ra lời khuyên để sống sót sau đại dịch, Bruce Liu cho rằng, doanh nghiệp truyền thông cần tìm cách tăng doanh thu mảng điện tử, đồng thời cắt giảm chi phí. Theo đó, phải thu hút thêm nhiều thuê bao đọc tin tức, có thể bằng cách giảm phí; giảm các khoản chi trả, lương thưởng cho nhân viên, thậm chí sa thải bớt nhân lực.
“Sa thải là lựa chọn cuối cùng. Bởi hãng truyền thông luôn cần những người đưa tin giàu kinh nghiệm để cung cấp thông tin chất lượng tới độc giả trong thời kỳ khó khăn”, Bruce Liu nhận định.