Dịch bệnh như cơn mưa dữ, ai đi ngoài đường cũng ướt

Dịch bệnh như cơn mưa dữ, ai đi ngoài đường cũng ướt

Đại dịch: Cơ hội để sàng lọc hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nhưng tình hình trên toàn cầu còn phức tạp và hệ quả tác động đến nền kinh tế là chưa thể đong đếm. Ngành ngân hàng cần có kế hoạch dự phòng từ tình huống xấu đến tình huống rất tệ.


Kinh tế có thể bị tác động mạnh hơn

Tính đến cuối quý I/2020, đại dịch Covid-19 tác động đến kinh tế Việt Nam chưa mạnh. Minh chứng là tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm đạt 3,8%, tuy giảm nhiều so với mức tăng 6,79% của cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức tăng trưởng chấp nhận được, đặc biệt khi so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thực tế là dịch bệnh chủ yếu tác động đến Việt Nam trong tháng 3, còn tháng 1 và 2 chưa ảnh hưởng nhiều. Quý II/2020, dự báo dịch bệnh sẽ có mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2019, có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, với ba động lực chính đó là xuất khẩu, nhu cầu nội địa gia tăng và đầu tư nước ngoài. Nhưng năm 2020, ba động lực này đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, trong quý đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% nhưng vẫn xuất siêu. Xuất khẩu bị tác động nhiều bởi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng hai thị trường này đang bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Nhu cầu nội địa sụt giảm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại tiêu dùng, vận tải... Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường.

Nếu tình hình vẫn có diễn biến xấu, có hai kịch bản được đặt ra. Một là, với dự đoán cuối tháng 6 dịch bệnh được kiểm soát, người bị lây nhiễm không tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi từ quý III, nền kinh tế chỉ thực sự ổn định từ khoảng giữa năm 2021. Hai là, trong trường hợp xấu hơn, đến cuối tháng 6 chưa kiểm soát được tình hình với số lượng người bị bệnh ngày càng tăng và có người tử vong, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động mạnh hơn nhiều, thậm chí có khả năng rơi vào suy thoái và khủng hoảng.

Đại dịch: Cơ hội để sàng lọc hệ thống ngân hàng ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế

Nhìn ra bên ngoài, nền kinh tế toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Điều này khiến toàn thế giới có thể đi vào trạng thái suy thoái. Tại Mỹ, trong vòng 5 tuần tính đến ngày 18/4 đã có 26,5 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng tới có thể tiếp tục 

tăng và dự báo có đến 30% doanh nghiệp bị tê liệt vì bệnh dịch khiến chính phủ liên bang và tiểu bang của Mỹ áp dụng những biện pháp cách ly xã hội.

Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam với sự hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và lệ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cấp thiết hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân

Với cả hai kịch bản trên, việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân là tối quan trọng. Mới đầu quý II nhưng đã có cả chục nghìn doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp và có rất nhiều người lao động bị cho nghỉ việc, đi làm luân phiên và giảm lương.

Chính phủ đã công bố nhiều gói tài chính giải cứu người dân và các doanh nghiệp trong năm 2020 như gói hỗ trợ về tiền tệ 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng và phần còn lại hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép các doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội…), gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá viễn thông 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, giải ngân hết lượng vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD trong năm nay, đồng thời triển khai thêm nhiều gói hỗ trợ về tài khóa.

Trong các gói giải cứu, Chính phủ nên triển khai cấp tốc gói 62.000 tỷ đồng và gói 180.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ nên giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng tiền mặt hoặc cho vay qua hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, Chính phủ có thể uỷ thác số tiền cho ngân hàng để cho vay các đối tượng cần trợ giúp, thời hạn không phải trả lãi và gốc trong 1 năm, sau 1 năm có thời hạn trả góp cho Chính phủ là 3 năm, tổng là 4 năm. Một phần của số tiền này có thể dùng để bổ sung vốn tự có của các quỹ bảo lãnh tín dụng để các quỹ này bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại khi cho vay các doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Về cơ bản, phải dùng tiền của ngân sách để bơm ngay vào các doanh nghiệp, nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, trả tiền thuê mặt bằng, thuê người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp và trả các khoản chi phí khác. Chỉ với các biện pháp mạnh mẽ mới có thể cứu nguy cho các doanh nghiệp đang lao đao, thậm chí sắp phá sản, ngưng hoạt động. Vấn đề chính mà các doanh nghiệp đang đối mặt là thanh khoản, khi nguồn thu giảm rất sâu, trong khi vẫn phải chi phí cho hoạt động kinh doanh. Đây là câu chuyện sống còn, các doanh nghiệp phải đối mặt từng ngày, chứ không phải từng tuần hay từng tháng, nên nếu không bơm ngay tiền thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường, từ đó sẽ rất khó để khôi phục nền kinh tế.

Ngân hàng cần có kế hoạch dự phòng

Nếu nền kinh tế lao đao, các doanh nghiệp lao đao, các ngân hàng khó có thể tránh khỏi vòng xoáy khủng hoảng. Một trong những nghiệp vụ chính của ngân hàng là huy động tiền của người dân và doanh nghiệp, giả sử nhiều người dân và doanh nghiệp không gửi tiền vào ngân hàng, hệ thống sẽ mất thanh khoản. Đồng thời với đó, trong 8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn hệ thống, số lượng khách hàng không có khả năng trả nợ gia tăng thì gánh nặng này đè lên vai ngân hàng; trong tình huống nợ xấu càng ngày càng tăng thì các ngân hàng cũng sẽ không chống đỡ nổi.

Điều này có nghĩa, các ngân hàng cùng trong hoàn cảnh với mọi doanh nghiệp khác. Thời điểm hiện tại, tính thanh khoản của hệ thống vẫn tốt, bởi tăng trưởng tín dụng quý I/2020 chỉ là 1,3%, ở mức thấp so với quý I/2019 là 3,19%, trong khi tiền gửi dồi dào. Nhưng dự báo, nợ xấu sẽ tăng, các loại phí, lệ phí dịch vụ giảm mạnh.

Trường hợp khủng hoảng kinh tế xảy ra do dịch bệnh kéo dài, người dân có thể sẽ đến ngân hàng rút tiền. Bởi lương giảm, hay không có thu nhập…, nên họ phải sử dụng đến khoản tiền gửi ngân hàng để duy trì cuộc sống. Khi huy động vốn giảm sâu, mà dịch bệnh đến cuối tháng 6 vẫn có diễn biến phức tạp thì thanh khoản không chỉ là vấn đề của các ngân hàng, mà là của cả doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng cần có kế hoạch dự phòng, nhằm vượt qua khó khăn về thanh khoản.

Ngành ngân hàng cần có kế hoạch dự phòng từ tình huống xấu đến tình huống rất tệ. Các ngân hàng nên quay lại các bài “stress test” (kiểm tra sức chịu đựng) như trước, thậm chí bài stress test cần phải được làm mạnh mẽ, quy mô hơn.

Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh về nguy cơ nợ xấu có thể trở thành vấn đề lớn đối với hệ thống ngân hàng. Những năm trước, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý mua lại, sáp nhập ngân hàng, nhưng tình hình hiện nay có thể tệ hơn, nếu dịch Covid-19 kéo dài. Trước đây, nợ xấu có thời điểm chiếm 20% tổng dư nợ, còn giai đoạn hiện tại, nếu dịch bệnh kéo dài sang quý III thì con số nợ xấu nhiều khả năng sẽ gấp đôi và ăn mòn vốn của ngân hàng.

Do vậy, ngay thời điểm này, Chính phủ cần khuyến khích các ngân hàng có giải pháp tự chống đỡ nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ. Trong kịch bản tồi tệ nhất thì giải pháp sáp nhập tự nguyện hay sáp nhập bắt buộc sẽ trở lại bàn làm việc của các cơ quan quản lý, kể cả phương án để cho một vài ngân hàng yếu kém rời khỏi thị trường. Có thể đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện một đề xuất của vài năm trước là rút gọn hệ thống ngân hàng thương mại trong nước từ khoảng 34 ngân hàng (bao gồm 3 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại) xuống còn 20 ngân hàng.

Tin bài liên quan