Dai dẳng nỗi đau margin

Dai dẳng nỗi đau margin

Vụ việc Chủ tịch và Phó chủ tịch của CTCK SME bị bắt tạm giam mới đây có liên quan đến trò “lách luật” để cấp margin cho khách hàng của các CTCK hai năm trước đây?
Ngày 1/6/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch chứng khoán, cho phép một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản, cho phép hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) và giao dịch cùng phiên. Thông tư này được dư luận đánh giá chỉ dừng ở việc hợp pháp hóa các hoạt động đã diễn ra hàng ngày từ trước đó.
Cuộc giành giật thị phần môi giới giữa các công ty chứng khoán (CTCK) luôn diễn ra rất gay gắt. Dù số lượng tài khoản nhà đầu tư (NĐT) không ngừng gia tăng nhưng trong bối cảnh vốn hóa thị trường còn thấp, giá trị giao dịch không lớn mà lại tồn tại đến 105 CTCK (từ 2009) thì cuộc cạnh tranh không giữ được sự lành mạnh khi một số CTCK sẵn sàng “lách luật” để cung cấp các dịch vụ vốn chưa được luật pháp cho phép.
Các thủ thuật lách luật để cấp margin cho NĐT trước thời điểm Thông tư 74 ra đời đã được báo chí phản ánh rất nhiều như: CTCK mượn danh nghĩa của nhân viên để cho khách hàng vay tiền, dùng hợp đồng “Hợp tác đầu tư” mà thực chất là CTCK đứng ra làm môi giới cho khách hàng vay tiền từ các cá nhân, tổ chức khác.
Các hợp đồng này “lách” rất khéo khi biến hoạt động cung cấp margin cho khách hàng thành một hợp đồng vay mượn dân sự. Nhìn bề ngoài thì có vẻ các bên đều có lợi: NĐT có thêm “đạn” để lướt sóng; CTCK nếu cho vay gián tiếp thì hưởng lãi suất cao, nếu làm trung gian thì có hoa hồng; trong khi bên cho vay nhận được phần lãi cao hơn lãi suất gửi ngân hàng cho khoản tiền nhàn rỗi của mình…
Tất cả sẽ êm đẹp và kết thúc có hậu giống hệt chuyện cổ tích nếu như chứng khoán không ảm đạm từ hai năm trở về đây. Cổ phiếu lao dốc hàng loạt, danh mục đầu tư bay hơi gần hết… các NĐT lấy đâu ra tiền để bù vào phần margin. Giá trị còn lại không đủ trả nợ, nhiều NĐT “đem con bỏ chợ” tài khoản của mình. CTCK càng vồn vã bán giải chấp thì càng làm cho nỗ lực cứu vãn khoản vay trở nên vô vọng. Và khi đã nỗ lực hết sức mà phần thu về chưa đủ thì chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi nếu đưa sự việc ra pháp luật thì chẳng khác nào việc tố cáo chính bản thân mình.
Nhưng hậu quả của việc “cầm đèn chạy trước ô tô” không dừng lại ở đó.
Việc lách các quy định để cung cấp các dịch vụ mà pháp luật chưa quản lý đến luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ đối với CTCK mà còn đối với chính bên cho vay theo hợp đồng “Hợp tác đầu tư”…
Mới đây, ngày 2/8/2012, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SME Phan Huy Chí và Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn bị bắt tạm giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tháng 4/2010, CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) ký hợp đồng Hợp tác đầu tư giá trị hơn 168 tỷ đồng với ông Hoàng Ngọc Anh và CTCK SME. PVI góp 40% (49 tỷ đồng), Hoàng Ngọc Anh góp bằng số dư các mã chứng khoán trên tài khoản giao dịch trị giá 119 tỷ đồng ứng với 60%, PVI hưởng lãi suất 13%.
PVI còn ký một hợp đồng Hợp tác đầu tư nữa với CTCP Tư vấn Anh và CTCK SME với giá trị 198 tỷ đồng, PVI góp 40% và hưởng lợi nhuận 13%/năm. PVI chuyển cho CTCK SME tổng số tiền gần 108 tỷ đồng để thực hiện hai hợp đồng trên.
Như vậy đã rõ. Tuy là hợp đồng “Hợp tác…” nhưng phía PVI đã nắm chắc lợi nhuận 13%/năm(?!). Phía PVI có lẽ cũng hiểu rõ bản chất đằng sau hợp đồng kinh tế này là gì nên cũng chẳng quan tâm hay xác minh ông Hoàng Ngọc Anh là ai và CTCP Tư vấn Anh do ai đứng đằng sau.
Sự thật? Hoàng Ngọc Anh không đầu tư chứng khoán, mọi chữ ký trên giấy tờ liên quan đều là giả mạo và CTCP Tư vấn Anh là thành viên của SME, được ông Phạm Minh Tuấn chỉ đạo ký hợp đồng với PVI. Đến khi kết thúc hợp đồng, tháng 4/2011, phía SME chỉ trả lại được cho PVI hơn 65 tỷ đồng, còn nợ gốc 57 tỷ đồng.
“Muốn đi xa phải đi chậm”
“…cho dù cố dùng những từ hoa mỹ như thế nào cũng không thể phủ định một sự thật đơn giản là SBS không còn đủ khả năng và điều kiện để trang trải, sử dụng năng lực của các Anh Chị nữa rồi!”
Câu nói xót xa này trích trong bức tâm thư của tân Tổng giám đốc CTCK SBS Võ Duy Đạo gửi cán bộ công nhân viên trong đợt cắt giảm nhân sự vừa qua. Từ một CTCK có tiếng trên thị trường, đứng top 3 về thị phần môi giới tại HOSE (2008), SBS phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết khi lỗ lũy kế gần 1.400 tỷ đồng, vốn chỉ còn 91 tỷ đồng (quý I/2012, không tính 800 tỷ trái phiếu chuyển đổi).
Nguyên nhân của sự sa sút này của SBS thì nhiều, nhưng có một phần đến từ việc cạnh tranh thị phần khốc liệt, SBS đã mạnh tay cho vay, đẩy đòn bẩy tài chính cho khách hàng lên rất cao (thời gian trước khi Thông tư 74 ra đời). Giờ đây SBS phải tự tái cấu trúc để tồn tại, những đau đớn là không thể tránh khỏi. SBS từ 384 nhân viên (2011) đến cuối quý I/2012 còn 199 người.
Câu chuyện của CTCK Thăng Long (TLS) cũng khá giống với SBS. Cũng từng là một thế lực rất mạnh, từng đứng đầu về thị phần môi giới nhưng giờ đây TLS là cái tên không còn tồn tại trên thị trường. Cuộc đại phẫu để cứu nguy cho TLS đã khiến nó đổi tên thành CTCK MB (MBS).
Các nhân sự cấp cao của cả hai CTCK này cũng phải ra đi để dọn đường cho những con người mới, với những tư duy, chiến lược mới… nhưng dù thế nào đi nữa, họ cũng phải mất nhiều công sức để đưa công ty về với vị thế như xưa…
Cái giá phải trả quá đắt!
Trong bối cảnh nhiều CTCK lao đao, thì một số khác lại sống rất khỏe. Điển hình nhất có lẽ phải kể đến Kim Eng. Đi vào hoạt động năm 2008 thì qua năm 2009 Kim Eng đã đứng trong top 10 về thị phần môi giới tại HOSE và góp mặt trong danh sách này liên tục từ đó đến nay. Quý II/2012, Kim Eng đứng thứ 5 tại HOSE và thứ 3 tại HNX.
Trong thời gian chứng khoán ảm đạm, nhiều CTCK sống dở chết dở, phải cắt giảm nhân sự, chi nhánh, phòng giao dịch để tiết kiệm chi phí, duy trì tồn tại… thì Kim Eng lại… mở rộng chi nhánh. Đến thời điểm hiện tại, Kim Eng đã vươn tới Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ và cả An Giang.
Thành công của Kim Eng là do chiến lược hoạt động có tầm nhìn của những ông chủ người Singapore khi chú trọng vào mảng môi giới. Ngay từ khi hoạt động, Kim Eng đã tách bạch tài khoản của NĐT, không tự doanh.Và quan trọng là trong thời kỳ hàng loạt các CTCK cấp margin trá hình cho NĐT thì Kim Eng là một trong số ít các CTCK nói không với dịch vụ này. Chấp nhận mất tạm thời một số khách hàng vào tay các CTCK khác vào khoảng thời gian đó, nhưng đây cũng là cách mà Kim Eng bảo vệ những khách hàng còn lại của mình trước sự thăng hoa điên rồ của thị trường dựa vào dòng vốn nóng.
Sau này, khi nhiều CTCK khác lao đao vì “lách luật” cũng là lúc Kim Eng hút khách hàng và tiến nhanh trong top 10 thị phần môi giới. Đây cũng là một nguyên nhân khẳng định cho sự ổn định và phát triển vững chắc của Kim Eng: từ khi hoạt động, năm nào cũng có lãi.
Lời tâm sự của Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam Lê Minh Tâm sau đây trong một bài phỏng vấn là lời đúc kết ngắn gọn cho chiến lược thành công của Kim Eng, nhưng cũng xứng đáng là một bài học đắt giá đối với các CTCK ở Việt Nam…“Muốn đi xa phải đi chậm”!