“Đãi” cơ hội tháng 7

“Đãi” cơ hội tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các doanh nghiệp dần lộ diện, dòng tiền thông minh đang sàng lọc cơ hội đầu tư.

Chuyển động của dòng tiền

Dòng tiền có dấu hiệu trở lại thị trường chứng khoán, khi thanh khoản cải thiện. Tháng 6, thị trường chứng khoán ghi nhận 145.864 tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 145.856 tài khoản, đạt đỉnh trong 10 tháng trở lại đây, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên con số 7,3 triệu vào thời điểm cuối tháng 6/2023.

Quan sát diễn biến thị trường từ đầu tháng 6 tới nay, đặc điểm nhận thấy rõ là các chỉ số lớn liên tục mở gap, dù mặt bằng tâm lý nhà đầu tư không quá hưng phấn. Đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang chảy dần về thị trường chứng khoán.

Từ góc nhìn của ông Trần Xuân Bách, phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào bức tranh sáng màu hơn của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023 cùng với yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy dòng tiền trên thị trường chứng khoán là lãi suất. Kể từ tháng 10/2022, mặt bằng lãi suất tăng mạnh đã thu hút một lượng lớn tiền từ khu vực dân cư vào kênh tiết kiệm. Đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh và sâu so với đỉnh hồi đầu năm sẽ khiến một phần dòng tiền cân nhắc phân bổ một phần tiền sang các kênh rủi ro và có khả năng sinh lời lớn hơn. Kênh cổ phiếu sẽ thu hút được một phần dòng tiền này.

“Năm 2024, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới chấm dứt quá trình tăng lãi suất sẽ là tín hiệu mở đầu cho chu kỳ phục hồi - tăng trưởng mới cho kinh tế toàn cầu. Với rủi ro giảm bớt, trong khi các động lực tăng trưởng trở nên rõ ràng hơn, tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để dòng tiền quan tâm trở lại thị trường cổ phiếu và lựa chọn dần các cổ phiếu có nhiều tiềm năng cho tầm nhìn nửa cuối năm nay và năm sau”, ông Bách nêu quan điểm.

“Đãi” cơ hội

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, dòng tiền ghi nhận luân chuyển giữa các nhóm ngành rất linh hoạt và có sự chọn lọc theo từng chủ đề rõ ràng, đặc biệt là các cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ.

Nhìn về tháng 7 và xa hơn là 6 tháng cuối năm, ông Bùi Nguyên Khoa, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) lưu ý một số nhóm cổ phiếu có thể được dòng tiền hướng đến:

Thứ nhất là nhóm blue-chip, do giai đoạn vừa qua, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ nên nhóm này chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, triển vọng kết quả kinh doanh tích cực sẽ là yếu tố để nhà đầu tư ra quyết định đối với nhóm cổ phiếu này.

Thứ hai, nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2023 khả quan như tài chính; công nghiệp, hóa chất, phân bón, nhiệt điện; lương thực, thực phẩm.

Nhóm cổ phiếu ngành tài chính dự báo sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong môi trường lãi suất hạ, thị trường chứng khoán về cơ bản sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Dòng tiền thông minh sẽ tìm đến nơi có cơ hội sinh lời tốt hơn khi so sánh với việc gửi tiết kiệm - có thể thấy thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng rất tích cực trong thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số phiên có giá trị giao dịch hơn 1 tỷ USD trên cả 3 sàn.

Đối với nhóm công nghiệp, hóa chất, phân bón, nhiệt điện, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp hóa chất (đặc biệt là DGC…), theo đánh giá của BSC, đã tạo đáy và bắt đầu phục hồi kể từ quý II/2023 khi nhu cầu bắt đầu phục hồi bên cạnh nguồn cung có dấu hiệu suy giảm. Nhóm cổ phiếu nhiệt điện dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong bối cảnh hiện nay, khi cổ phiếu điều chỉnh có thể sẽ là cơ hội để gia tăng tỷ trọng (QTP…).

Đối với nhóm lương thực, thực phẩm, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được dự báo là đỉnh điểm của hiện tượng El Niño. Hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn bất thường ở nhiều nơi trên thế giới cũng như trong nước sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, trong khi nhu cầu ở một số thị trường chủ lực được kỳ vọng khởi sắc vào giai đoạn cuối năm sẽ là câu chuyện dòng tiền có thể hướng đến. Trong đó, các cổ phiếu được chuyên gia BSC quan tâm là VHC, BAF…

Sau giai đoạn dòng tiền bắt nhịp nhanh từ đáy, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng từ 15 - 20%, có nhiều cổ phiếu tăng cao hơn. Tất nhiên, cũng có những cổ phiếu “giậm chân tại chỗ”, nhưng nhiều nhóm cổ phiếu hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới. Điều này khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc lựa chọn các cơ hội đầu tư.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, có chất lượng tài sản tốt và triển vọng lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút dòng tiền.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách phân tích thị trường, BVSC

Theo ông Trần Xuân Bách, với triển vọng kinh tế dự báo sẽ sáng hơn về cuối năm, mặt bằng lãi suất thấp hơn và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp (theo dự phóng của BVSC) lên tới 16% trong năm 2024, sẽ có nhiều nhóm cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tốt. Đầu tiên là cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, có chất lượng tài sản và triển vọng lợi nhuận trong năm 2024 tốt sẽ thu hút dòng tiền.

Đối với nhóm ngân hàng, định giá vẫn đang ở mức hấp dẫn và triển vọng tín dụng tích cực hơn khiến nhóm ngành này trở thành lựa chọn đầu tư tốt. Nhóm bất động sản, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm và các vấn đề pháp lý được tháo gỡ, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và còn dư địa phát triển sẽ tiếp tục là nhân tố thu hút dòng tiền.

Nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ cũng đáng lưu tâm. Tác động của các đợt tăng lãi suất liên tục đang khiến tồn kho nhiều mặt hàng tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm nhanh. Đến năm 2024, khi lãi suất đảo chiều, tiêu dùng tăng trở lại sẽ là thời điểm cho các nhóm ngành mang tính chu kỳ đi lên. Trên mức nền thấp trong giai đoạn trước, trong khi sản lượng dần cải thiện, lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may, thủy sản, gỗ, hay thép sẽ có sự phục hồi tích cực trong thời gian tới.

Theo nhận định của chuyên gia BVSC, đầu tư công tiếp tục là một chủ đề đầu tư phù hợp trong giai đoạn này. Ước tính, khoảng 500.000 tỷ đồng đầu tư công chờ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2023 và các doanh nghiệp ngành xây lắp hạ tầng, vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi. Trong khi đó, giá đầu vào của các doanh nghiệp này như năng lượng, thép đang trong xu hướng giảm, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện, dầu khí, hưởng lợi từ chủ trương, chính sách về quy hoạch năng lượng cũng sẽ là điểm nhấn.

Tin bài liên quan