Sau T+2...
Với vai trò là tổ chức vận hành hệ thống hỗ trợ sau giao dịch của toàn thị trường, những năm qua, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã tích cực hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường thông qua việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 vào năm 2016.
Từ ngày 29/8/2022, VSD tiếp tục rút ngắn hoàn tất thanh toán chứng khoán và thanh toán tiền cho nhà đầu tư từ 15h30 - 16h00 lên 11h30 - 12h00 ngày T+2.
Theo đó, nhà đầu tư được bán chứng khoán sau khi mua vào phiên chiều ngày T+2, thay vì phiên sáng ngày T+3 như trước đây. Với sự nỗ lực này, T+2 mới trở thành T+2 đúng nghĩa, bởi trước đây là chiều ngày T+2 thì đồng nghĩa với T+2,5, không có nhiều ý nghĩa với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc phân tích, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc giảm thời gian thanh toán xuống T+2 đã tác động đến thị trường về mặt thanh khoản.
Về dài hạn, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ giúp cải thiện kết quả đánh giá của FTSE về thị trường Việt Nam, vì ở lần đánh giá gần đây nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đạt 2/9 tiêu chí về chu kỳ thanh toán và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, việc rút ngắn thời gian thanh toán hay thời gian giao dịch sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.
Ngoài T+2, đâu là những giải pháp có thể giúp thị trường tăng tính thanh khoản, cũng như giúp dòng tiền sôi động, là câu hỏi thị trường quan tâm, bởi thị trường cần nhất là dòng tiền. Câu trả lời được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là giảm thời gian giao dịch về T+0. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tách bạch hai vấn đề giảm thời gian thanh toán T+2 và giảm giao dịch T+0, bởi đây hai phạm trù khác nhau.
Thông thường, việc giao dịch cổ phiếu chỉ được thực hiện khi bên mua có đủ tiền và bên bán có cổ phiếu trong tài khoản, do đó có sự nhầm lẫn của nhiều người về khâu thanh toán (Settlement) và giao dịch (Trading). Quy định mới của VSD về bản chất là cải thiện bước thanh toán và phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có châu Âu và Mỹ đều áp dụng mô hình thanh toán T+2.
Trong đó, Mỹ mới chuyển qua thanh toán T+2 từ 2017, còn Nhật Bản cũng mới chỉ chuyển qua T+2 từ 2019. Hiện chỉ có Trung Quốc là áp dụng chu kỳ thanh toán ngắn hơn và đầu năm nay, Ấn Độ cũng áp dụng mô hình T+1, nhưng cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
VSD cho biết, nhằm hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường trên nguyên tắc đảm bảo không để xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán, VSD tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống vay, cho vay chứng khoán của VSD để không chỉ đáp ứng nhu cầu vay, cho vay hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giao dịch ETF và vay, cho vay trái phiếu chính phủ để bán như hiện nay, mà còn tiếp tục mở rộng vay/cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
VSD cũng đang nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Với mô hình này, VSD sẽ tham gia vào giao dịch và thiết lập nhiều lớp phòng vệ rủi ro cho thị trường chứng khoán cơ sở, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư khi giao dịch, qua đó thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường và góp phần làm tăng tính thanh khoản cho toàn thị trường.
...Bao giờ đến T+0?
Việc cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày là một trong những cơ chế giao dịch mới của thị trường được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC. Như vậy, về mặt pháp lý, sản phẩm này đã nằm trong quy định, mấu chốt là hệ thống hạ tầng.
Theo đó, tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới mà VSD phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ nhà thầu KRX đang tiếp tục chậm trễ so với dự kiến, dù Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt phải thực hiện sớm, thậm chí là phải hoàn tất trong năm 2022. Ngoài T+0, thị trường cũng kỳ vọng, việc đưa hệ thống KRX vào vận hành là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số sản phẩm, nghiệp vụ mới khác như bán khống, quyền chọn cổ phiếu…
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ lãnh đạo VSD, điều kiện vận hành hệ thống KRX chỉ là điều kiện cần cho việc triển khai T+0, còn điều kiện đủ thì phải chờ quyết định từ phía cơ quan quản lý, bởi thực tế, lo ngại lớn nhất là khả năng quản lý rủi ro về phía thành viên thị trường, khi mà thống kê hàng năm cho thấy, vẫn có trường hợp phải sửa lỗi sau giao dịch, xử lý lỗi. Thậm chí, có trường hợp công ty chứng khoán phải lùi thời hạn thanh toán hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt ký quỹ của khách hàng.
Thực tế cho thấy, rủi ro mất khả năng thanh toán tiềm ẩn khi triển khai thực hiện giao dịch trong ngày là hiện hữu và cần được quan tâm, cân nhắc một cách thận trọng khi so sánh với lợi ích do giao dịch trong ngày mang lại, nên vẫn đòi hỏi các thành viên thị trường phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ, cũng như đảm bảo nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp kiểm soát rủi ro không tốt.
Về phía cơ quan quản lý, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, xử lý các rủi ro có thể phát sinh và có chế tài đối với các công ty chứng khoán không tuân thủ, hoặc tuân thủ không tốt các quy định về quản lý rủi ro đối với giao dịch trong ngày. Việc triển khai hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được triển khai sau khi hội tủ đủ các điều kiện cần thiết nêu trên.
“Hiện VSD đang phối hợp chặt chẽ với các thành viên trên thị trường để nỗ lực sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào hoạt động, đảm bảo vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin”, lãnh đạo VSD chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo VSD, để triển khai thành công bất kỳ sản phẩm hay nghiệp vụ mới nào của thị trường chứng khoán, bên cạnh sự sẵn sàng về hệ thống công nghệ, còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế khắc phục các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
Để triển khai thành công, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường, bao gồm VSD và các sở giao dịch chứng khoán, tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào các thành viên thị trường, nhất là trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán.