Sự chậm trễ của Bộ Tài chính trong việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC khiến NĐT đối mặt với nhiều rủi ro

Sự chậm trễ của Bộ Tài chính trong việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC khiến NĐT đối mặt với nhiều rủi ro

Dài cổ chờ hướng dẫn trích lập chứng khoán OTC

(ĐTCK-online) Mong chờ 10 năm nay của thị trường về văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC vẫn “bóng chim, tăm cá”…

Diễn biến mới nhất liên quan đến khiếu nại của CTCK TP. HCM (HSC) về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết (OTC), là ngày 9/11, Bộ Tài chính có Công văn  số 15206/2011 gửi HSC, không công nhận việc Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC năm 2007 - 2008, nhưng không truy thu 4,1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế. Rắc rối của HSC tạm khép lại, nhưng mong chờ 10 năm nay của thị trường về văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC vẫn “bóng chim, tăm cá”…

So với công văn ban hành ngày 7/9/2011 của Bộ Tài chính có nội dung không công nhận việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC của HSC, đồng nghĩa với việc ngoài khoản truy thu thuế 19 tỷ đồng, HSC còn phải nộp 4,1 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế, thì với Công văn 15206/2011, Bộ Tài chính không thu toàn bộ số tiền phạt chậm nộp thuế liên quan đến khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC năm 2007 - 2008, nhưng Công ty vẫn phải nộp 19 tỷ đồng tiền thuế. Điều này hoàn toàn trái ngược với nội dung công văn ban hành ngày 5/11/2010 cũng do chính lãnh đạo Vụ Chính sách thuế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành, cho phép HSC được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC.

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết, lý do Bộ Tài chính không công nhận HSC trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC là đến thời điểm này, chưa có văn bản hướng dẫn cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán được trích lập. Quyết định không truy thu 4,1 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế được đưa ra trên cơ sở tìm hiểu thực tế của Vụ Chính sách thuế và ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan với cùng nhận định rằng, HSC không cố tình trích lập sai quy định để trốn thuế, mà do Công ty nhận thức chưa đầy đủ các quy định liên quan về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. HSC phải nộp 19 tỷ đồng tiền thuế do trích lập không đúng quy định là hoàn toàn thỏa đáng, bình đẳng với các CTCK khác…

Những rắc rối mà HSC phải đối mặt suốt thời gian dài hiện đã tạm qua, nhưng câu hỏi mà TTCK đặt ra suốt hơn 10 năm qua là bao giờ Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, thì đến thời điểm này vẫn còn… mù mờ, khi ông Lợi cho biết, bản thân ông không biết văn bản này do đơn vị nào trong Bộ soạn thảo và bao giờ được ban hành.

Mặc dù ĐTCK đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, nhưng câu trả lời nhận được rất… mơ hồ. Khi được hỏi, liệu văn bản này có được ban hành trong năm nay, thì cơ quan soạn thảo cũng không thể trả lời. Đại diện đơn vị này còn cho biết, dự thảo văn bản đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, điều bất thường mà ĐTCK ghi nhận được là dự thảo văn bản đến thời điểm này vẫn được… giữ kín. Rất nhiều CTCK với tư cách là đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản này, khẳng định chưa hề nhận được dự thảo văn bản để đóng góp ý kiến!?

Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, các bộ phải đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành trong thời gian ít nhất là 60 ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Với thời gian lấy ý kiến như vậy, trong khi đến nay Bộ Tài chính chưa hề đăng tải dự thảo văn bản lên website của mình, thì văn bản này khó được ban hành trong năm 2011, trong khi mùa làm báo cáo tài chính năm đang cận kề. Điều này đang đi ngược lại định hướng quản lý các CTCK theo hướng minh bạch của chính Bộ Tài chính. Bởi không có quy định hướng dẫn trích lập đồng nghĩa với các khoản đầu tư chứng khoán OTC của các CTCK hiện bị giảm giá quá nhiều mà không hề có phương án đề phòng rủi ro. Rõ ràng, chừng nào Bộ Tài chính còn chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, thì chừng đó TTCK, nhà đầu tư sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro về sự không minh bạch tài chính của các CTCK. Trong khi lỗi này không hoàn toàn do phía DN, mà chính từ cơ quan quản lý.