Sau nhiều ngày nghị án, chiều 29/10, tòa Kinh tế - TAND TPHCM tiếp tục xét sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Cuối năm 2017, Vinasun khởi kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng mà nguyên đơn cho rằng nguyên nhân do sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh taxi do phía Grab gây ra.
Vụ án được TAND TPHCM đưa ra xét xử ngày 6/2/2018 nhưng sau đó đã có quyết định tạm đình chỉ để chờ thu thập chứng cứ tài liệu từ các cơ quan có liên quan.
Ngày 17/10, vụ án lại được TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, hai bên tranh cãi quyết liệt. Phía Vinasun đưa ra nhiều căn cứ, số liệu, kết quả giám định... để khẳng định Grab thực chất là doanh nghiệp vận tải taxi và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho Vinasun.
Trong khi đó, đại diện của Grab cho rằng doanh nghiệp này chỉ kinh doanh phần mềm, không kinh doanh vận tải nên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của phía nguyên đơn là không có căn cứ.
Đại diện Viện KSND TPHCM xác định Grab kinh doanh vận tải taxi và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này có mối quan hệ nhân quả với những thiệt hại của phía Vinasun. Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng.
Sau khi nghị án, HĐXX bất ngờ quay lại phần xét hỏi do tại phiên tòa giám định vắng mặt, các vấn đề liên quan tới giám định chưa được làm rõ.
Theo đại diện của Vinasun, khi Grab tham gia vào thị trường thì tăng trưởng của Vinasun bị giảm mạnh, Grab đã tung ra các chiêu bài như khuyến mãi, giảm giá 0 đồng gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun.
Khi Grab hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015, thì có hơn 12.000 tài xế Vinasun nghỉ việc. Hiện nay, số lượng tài xế chạy cho Vinasun chỉ còn hơn 8.000 tài xế. Chính hoạt động của Grab khiến cho doanh thu của Vinasun ngày càng sụt giảm, con số thiệt hại lớn hơn 41,2 tỷ đồng.
Phía Vinasun cho rằng thiệt hại thực tế do Grab gây ra.
Việc Grab liên tục tăng số lượng đầu xe gây ảnh hưởng tới hoạt động của Vinasun. Thiệt hại của Vinasun được xác định khi lượng xe nằm bãi.
Bởi lẽ không hoạt động cũng phải chịu các chi phí như chi phí khấu hao, khi hoạt động thì Vinasun phải đi vay ngân hàng nên phải chi trả lãi suất hàng ngày cho ngân hàng, ngoài ra phải chi trả các chi phí đường bộ….
Trong khi phía bị đơn cho rằng giám định của công ty Cửu Long đưa ra là thiếu chính xác, không có căn cứ. Công ty Cửu Long căn cứ vào số cổ phiểu của Vinasun để đưa ra thiệt hại nhưng trên thực tế cổ phiếu không thuộc về công ty mà thuộc về cổ đông.
Thứ hai, phương pháp tính của công ty Cửu Long không chính xác.
Thứ ba, công ty Cửu Long không chỉ ra được quan hệ nhân quả là do những hành vi nào của Grab khiến Vinasun bị thiệt hại. Từ đó đại diện Grab đề nghị HĐXX giám định lại.
Sau khi hội ý, HĐXX nhận định cần xác minh thu thập chứng cứ liên quan tới giám định để làm rõ vụ án. Do đó, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa được ấn định vào ngày 22/11.