Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) chất vấn ngay về vấn đề mà tất cả đại biểu và cử tri quan tâm: đó là câu chuyện thị trường tiêu thụ, cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục diễn ra.
Sau đại biểu Hạnh, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề quy hoạch – một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa thịt lợn thời gian qua.
“Căn cứ vào đâu mà Bộ NN&PTNT đưa ra quy hoạch đàn lợn đến 2015 là 32 triệu còn và năm 2020 là 35 triệu con trong khi thực tế năm năm 2015 mới 27 triệu con, năm 2016 là 29 triệu con mà thị trường đã dư thừa hàng triệu con lợn, bắt buộc phải giải cứu?”.
Hàng loạt câu hỏi tiếp theo cũng với chủ đề tương tự, khi cấp thiết đòi hỏi Bộ trưởng phải đưa ra câu trả lời về giải pháp đột phá thực sự, chứ không chỉ là “tăng cường, rà soát” như báo cáo của Bộ.
Có lẽ, tất cả những câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội đều nằm trong dự đoán, vì đây là những vấn đề nóng đang diễn ra trong ngành nông nghiệp, nên Bộ trưởng đã có phần “trả bài” khá lưu loát, suôn sẻ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam rất lớn, không chỉ đủ để phục vụ thị trường 92 triệu dân trong nước mà còn dư thừa để sản xuất ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, từ chợ nhà ra chợ toàn cầu lại là bài toán khó, vì đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe, cần tổ chức lại các ngành hàng.
Hạn chế hiện nay, theo thừa nhận của Bộ trưởng, là có vấn đề cả về sản xuất, chế biến, đầu tư lẫn vấn đề quản lý. Và cách làm bài bản từ tổ chức sản xuất, nghiên cứu thị trường, gắn sản xuất và chế biến, tiêu thụ, liên thông thị trường… đang được Bộ NN&PTNT chấn chỉnh lại.
“Chắc chắn, trong thời gian ngắn nữa, không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, thiếu cái kia. Đây là chặng đường gian khổ, nhưng chúng ta phải làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến khủng hoảng thừa thịt lợn, Bộ trưởng cho hay, có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Quy hoạch có thể đúng mang tính thời điểm, song nếu nhu cầu thị trường thay đổi, thì cơ quan quản lý phải điều chỉnh quy hoạch, cảnh báo nhà sản xuất và có chính sách thúc đẩy tiêu thụ. Bây giờ Bộ nói: Người sản xuất phải thông minh. Nhưng cử tri, người dân lại mong muốn: Nhà quản lý phải thông minh. Liệu sau lợn, chúng ta có cần phải giải cứu gì nữa không? Giờ cao su đang cần giải cứu. Tới đây, sợ rằng cam quýt sẽ phải giải cứu vì người dân đang phá cao su để trồng cam quýt, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Phước).
Thứ nhất, sức sản xuất 10 năm qua tăng trưởng rất nhanh: thịt tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá tăng gần gáp đôi… Với thịt lợn, ngoài cung tăng nhanh, còn chịu tác động nặng nề từ cơ cấu thực phẩm Việt Nam thay đổi. Trước đây bữa cỗ bữa cơm 70% là thịt lợn nhưng giờ chuyển ngày càng nhiều sang thịt bò, gà, cá… Thứ hai, sản xuất quy mô nông hộ còn nhiều, giá thành cao, kiểm soát vệ sinh và an toàn thực phẩm chưa tốt. Thứ ba, sản xuất tách rời chế biến. Thứ tư, thị trường là khâu yếu nhất.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu về quy hoạch, Bộ trưởng thừa nhận, quy hoạch mới tính theo khả năng tăng trưởng và khả năng tiêu thụ mà chưa tính đến thay đổi cơ cấu thực phẩm và công tác mở cửa thị trường còn kém.
Trước câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tỏ ra không hài lòng, cho rằng câu trả lời này chưa thuyết phục, bởi nếu đổ hết cho thị trường, cho người dân chăn nuôi tự phát là thể hiện vắng bóng vai trò của người quản lý.
“Quy hoạch có thể đúng mang tính thời điểm, song nếu nhu cầu thị trường thay đổi, thì cơ quan quản lý phải điều chỉnh quy hoạch, cảnh báo nhà sản xuất và có chính sách thúc đẩy tiêu thụ. Bây giờ Bộ nói: Người sản xuất phải thông minh. Nhưng cử tri, người dân lại mong muốn: Nhà quản lý phải thông minh. Liệu sau lợn, chúng ta có cần phải giải cứu gì nữa không? Giờ cao su đang cần giải cứu. Tới đây, sợ rằng cam quýt sẽ phải giải cứu vì người dân đang phá cao su để trồng cam quýt”, đại biểu Hồng lo lắng.