Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Nguồn vốn cho bất động sản đang bị kiểm soát quá chặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng, chỉ vì đối phó với một số doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bất động sản mà nguồn vốn cho thị trường này đang bị kiểm soát quá chặt.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội chiều 2/6 (ảnh: M.M)

ĐBQH Vũ Tiến Lộc trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội chiều 2/6 (ảnh: M.M)

Sau phiên thảo luận hội trường chiều 2/6 về kinh tế - xã hội, ngân sách, thực hành chống tiết kiệm, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chia sẻ một số quan điểm với báo chí.

Lo ngại trước tình trạng nguồn cung bất động sản khan hiếm làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân, ông Lộc lấy làm tiếc khi chỉ vì lý do đối phó với một số doanh nghiệp vi phạm, mà nguồn vốn cho kinh doanh bất động sản đang bị kiểm soát quá chặt, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

“Điều này sẽ khiến giá bất động sản tiếp tục tăng chứ không giảm, làm cho chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng cao và giấc mơ mua nhà của người nghèo, người có thu nhập trung bình sẽ ngày càng trở nên xa vời”, vị đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Chia sẻ thêm về các điểm nóng trên thị trường vốn thời gian qua, ông Lộc đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý và chấn chỉnh quản lý, để ổn định thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể “hạ cánh an toàn”, tiếp tục phát triển bền vững, đóng vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, tránh phụ thuộc kênh tín dụng ngân hàng.

Một vấn đề nữa theo vị đại biểu đoàn Hà Nội là rất cấp bách hiện nay, đó là rủi ro lạm phát. Mặc dù 5 tháng đầu năm nay, CPI mới tăng bình quân 2,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2020; tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay, ông Lộc đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị bào mòn rất nhiều.

Cùng ngày, trong phần thảo luận tại hội trường, vị đại biểu nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dành nhiều tâm huyết để gửi tới Quốc hội những kiến nghị về việc hỗ trợ doanh nghiệp.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Ông Lộc thông tin, trong 5 tháng đầu năm nay, dù có tới 98.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có gần 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 16% so với cùng kỳ, trong khi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lại tăng gấp 2 lần.

“Những chỉ báo đó cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang rất gian nan. Bên cạnh các khó khăn về thị trường, thì những rào cản pháp lý cùng với thủ tục hành chính phiền hà và tâm trạng bất an đang là những trở lực lớn cho những nỗ lực phục hồi của họ, rất cần được quan tâm tháo gỡ”, ông Lộc nêu quan điểm.

Nhận định, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ, vị đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ, chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu kép: GDP tăng trưởng 6,5 hay 7%, thậm chí cao hơn, và CPI được giữ ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra”, ông Lộc nói.

Đồng thời, vị đại biểu cũng lưu ý, cho dù tăng trưởng năm nay có đạt trên 7%, thì GDP trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cũng mới chỉ ở mức trên 4%. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Điều này hàm ý rằng, Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cấp bách nhất là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một giải pháp kinh điển rất hiệu quả để giải cứu và kích hoạt nền kinh tế trong những lúc khó khăn.

Trước tình trạng giải ngân đầu tư công hiện nay với tốc độ “rùa bò”, ông Lộc đề xuất: "Nếu thời gian tới tình hình không tiến triển, tôi đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% cho cả nhiệm kỳ”.

Tin bài liên quan